Để người dân không bị mắc lừa
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp như Thịnh Phát, Korea Vina, Lamy… xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh với lý do tổ chức các buổi hội thảo.
Các doah nghiệp này giới thiệu sản phẩm mà theo lời quảng bá có xuất xứ Hàn Quốc như hồng sâm, trà sâm, kem đánh răng… để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia. Không ít người dân đã mất tiền oan.
Bằng nhiều chiêu trò khác nhau, những doanh nghiệp trên đã đưa người dân, chủ yếu là phụ nữ độ tuổi từ 40-75 vào tròng. Với những lời chào mời đến nghe giới thiệu sản phẩm sẽ được tặng quà, được nhận những phiếu tặng tham gia chương trình "giá nét, chất lượng nét"... rất nhiều người dân đã bị thu hút vì tâm lý không mất tiền mà lại được tặng quà.
Người của các công ty trình bày lý do tổ chức hội nghị là mong muốn mọi người sẽ quảng cáo chất lượng, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới những người khác.
Thoạt nghe có vẻ bình thường nhưng sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này có vấn đề bởi khi người dân muốn tham gia hội nghị phải có thẻ ra vào, bị cấm quay phim chụp ảnh. Không những thế, những người cao tuổi, phụ nữ nông thôn gần như bị giam lỏng trong cánh cửa đóng kín khi hội nghị diễn ra.
Từ việc quảng cáo thái quá về công dụng thần kỳ của sản phẩm, bán với giá cao gấp nhiều lần so với giá thị trường cho đến chiêu trò tinh vi hơn là trả lại tiền mua sản phẩm cho người dân rồi mời chào mua sản phẩm khác với giá cao hơn.
Bằng những mánh khóe đó, đội ngũ nhân viên đầu tóc bóng lộn, quần áo chỉnh tề đã đút túi không biết bao nhiêu tiền từ những người vốn chẳng biết đánh vần tên sản phẩm hay thậm chí chưa rõ hồng sâm là gì.
Để bị mắc lừa, điều đáng trách đầu tiên là người dân. Sự thiếu ý thức đề phòng những kiểu bán hàng mập mờ, tham lam một vài chai dầu ăn, gói đỗ xanh hay chiếc khăn tắm để rồi bỏ bê việc nhà, chỉ lo tìm một chỗ ngồi tốt, đốt thời gian trong hội nghị.
Dần dà, những người vốn có suy nghĩ "không bao giờ mua, chỉ đến nghe thôi" cũng bị những đối tượng trên lừa đảo, dụ dỗ, mồi chài. Thậm chí, những người nông dân chân lấm tay bùn giấu cả gia đình, con cháu để rồi móc ví tiền mua những sản phẩm mà trả lại không được, dùng cũng chẳng xong.
Về phía chính quyền địa phương, liệu họ có đáng trách khi doanh nghiệp lạ xuất hiện trên địa bàn quản lý, ngang nhiên tập trung cùng lúc hàng trăm người, đóng kín cửa tổ chức hội nghị mà chỉ cho rằng do doanh nghiệp không thông báo nên chính quyền không biết.
Sẽ ra sao nếu tại hội nghị đó, nội dung tuyên truyền là những lời lẽ nằm ngoài những sản phẩm kinh doanh? Bị động trong công tác quản lý, không nắm vững tình hình địa phương đã vô tình tạo kẽ hở giúp những công ty trên lôi kéo, mồi chài, bòn rút thành công không ít tiền của người dân.
Thậm chí lực lượng công an địa phương cũng không nắm được việc những doanh nghiệp đó có đầy đủ giấy phép và điều kiện cần thiết để tổ chức hội nghị hay không, chỉ can thiệp khi có vấn đề về an ninh trật tự. Đến khi sự việc đã rồi, chính quyền địa phương mới bắt đầu "chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, nắm bắt thông tin".
Các địa phương, các ngành chức năng cần chủ động quản lý địa bàn hơn nữa, rà soát kỹ lưỡng các doanh nghiệp trước khi xuất hiện những hình thức bán hàng mập mờ kiểu mới. Bên cạnh đó, người dân cần đề cao cảnh giác, tránh tiền mất tật mang. Đừng tự biến mình hoặc đừng để những doanh nghiệp lạ biến mình thành "món hời".
LÊ TRẦN (Ninh Giang)
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/de-nguoi-dan-khong-bi-mac-lua-119195