Để người dân tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý

Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đã giúp hàng nghìn đối tượng được thụ hưởng các chính sách công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Song, hiện nay, TGPL vẫn còn xa lạ với người dân.

Nhiều đối tượng chính sách trên địa bàn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh không biết để tiếp cận và hưởng thụ dịch vụ này miễn phí, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật.

Thời gian qua, hoạt động TGPL ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng, đó là thực hiện chức năng xã hội của nhà nước, giúp đỡ về mặt pháp luật cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội.

Một buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: VĂN LÝ

Một buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: VĂN LÝ

Tại tỉnh Nghệ An, những năm gần đây, số lượng vụ việc của trung tâm TGPL tiếp nhận tăng lên so với cùng kỳ, đặc biệt vụ việc tham gia tố tụng tăng lên. Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 800.000 người thuộc diện người có công với cách mạng, hộ nghèo, trẻ em được TGPL. Năm 2019, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận 945 vụ việc, tư vấn 128 vụ và tham gia tố tụng 817 vụ. Năm 2020, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An đã thụ lý và thực hiện 1.011 vụ việc, trong đó 110 việc tư vấn; 1 vụ việc đại diện ngoài tố tụng; 900 vụ việc tham gia tố tụng. Tuy vậy, con số này vẫn khá thấp so với số đối tượng có nhu cầu TGPL.

Gia đình ông Nguyễn Tư Tuyên (thôn Thanh Nam, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) vướng vào một vụ tranh chấp đất đai với một gia đình trên địa bàn. Ông Tuyên là thương binh, thuộc đối tượng được hưởng dịch vụ TGPL. Năm 1999, ông Tuyên mua mảnh đất thổ cư, mọi thủ tục chuyển nhượng đã được thực hiện từ thời điểm đó. Nhưng vì chưa có nhu cầu sử dụng nên ông Tuyên để cho gia đình chuyển nhượng mượn trồng hoa màu. Năm 2007, ông Tuyên muốn lấy lại mảnh đất thì gia đình đó không đồng ý. Sau khi nhận được thông tin về vụ việc cần trợ giúp, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An đã cử trợ giúp viên tìm hiểu vụ việc, đồng hành với gia đình ông Tuyên trong quá trình tố tụng. Đây là vụ việc tranh chấp đất đai khá phức tạp, nhưng với sự nỗ lực của các trợ giúp viên, tại phiên tòa sơ thẩm, gia đình ông Tuyên đã được Tòa án Nhân dân huyện Thanh Chương công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất và gia đình kia phải trả toàn bộ chi phí định giá tài sản và chi phí giám định.

Tuy vậy, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua chưa thực sự thu hút được các nguồn lực xã hội; nguồn lực là tổ chức hành nghề luật sư chưa đăng ký tham gia TGPL nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu TGPL của người dân trên địa bàn. Ông Lê Văn Lý, Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An cho biết: "Trung tâm đã ký kết hợp đồng với 18 luật sư là cộng tác viên TGPL. Tuy vậy, trong số này, số luật sư hoạt động thường xuyên về TGPL chỉ đạt khoảng 50%. Đội ngũ thực hiện TGPL của một số tổ chức còn trẻ, chưa có kinh nghiệm. Mặt khác, việc quản lý, giám sát, phối hợp đánh giá hoạt động TGPL của luật sư chưa được quy định cụ thể, khoa học khiến đội ngũ này chưa thực sự nhiệt huyết khi tham gia vào công tác TGPL”.

Các trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tư vấn cho người dân về lĩnh vực pháp lý. Ảnh: ĐỨC NAM

Các trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh tư vấn cho người dân về lĩnh vực pháp lý. Ảnh: ĐỨC NAM

Mới đây, anh Nguyễn Khánh Toàn, trợ giúp viên của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh vừa mới hòa giải thành công một vụ việc mâu thuẫn, xảy ra xô xát giữa hai gia đình chính sách là hàng xóm tại huyện Thạch Hà. Sau khi nắm thông tin và tiếp nhận TGPL, nhận định đây là vụ việc có thể giải quyết “thấu tình đạt lý”, tránh để các gia đình vướng vào vòng lao lý nên trợ giúp viên đã hướng vụ việc theo hướng hòa giải và thỏa thuận. Kết quả, hai gia đình đã hòa giải với nhau, không phải đi đến hoạt động tố tụng. Qua đây, có thể thấy vai trò của các trợ giúp viên pháp lý không chỉ tham gia vào quá trình tố tụng, mà còn là một tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật để đưa các vụ việc hướng về cán cân công lý, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân.

Thực tế tại Hà Tĩnh, công tác truyền thông về TGPL được tiến hành thường xuyên. Tuy vậy, nội dung truyền thông chưa phong phú, hấp dẫn, chưa phù hợp với các đối tượng đặc thù, chưa chú ý đến yếu tố giới, tuổi tác, tâm lý, hoàn cảnh và địa bàn sinh sống của người dân. Hà Tĩnh là tỉnh có địa bàn rộng, đối tượng thuộc diện cần TGPL chiếm tỷ lệ cao, nhưng lại tập trung ở những vùng có địa hình phức tạp, hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, công tác tuyên truyền pháp luật chưa đến được với nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao, việc tiếp cận và hỗ trợ về mặt pháp lý thường khó khăn và kéo dài.

Ông Trần Thanh Minh, Quyền giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hoạt động tham gia TGPL của các luật sư mới chỉ dừng ở việc tự nguyện mà chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm để ràng buộc họ tham gia tích cực vào TGPL cho các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội". Hiện nay, kinh phí địa phương cấp cho hoạt động nghiệp vụ quá thấp, không đủ chi trả thù lao cho người thực hiện TGPL. Các thủ tục để được bảo đảm kinh phí cho các luật sư là trợ giúp viên còn rườm rà cũng là nguyên nhân khiến việc tham gia công tác TGPL chưa được nhiệt tình. Hiện tại, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh có 20 biên chế, chưa có các trụ sở chi nhánh nên gây khó khăn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ TGPL, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

TGPL thực sự là "cứu cánh" cho người yếu thế trong xã hội. Nếu không có dịch vụ này, những gia đình chính sách, người nghèo... sẽ khó có khả năng chi trả các chi phí khi vướng vào một vụ việc pháp lý để bảo đảm quyền lợi hợp pháp. Để hoạt động này đạt được hiệu quả đòi hỏi sự tham gia của chính quyền địa phương, của các đoàn luật sư... Bên cạnh đó, công tác truyền thông về dịch vụ TGPL cần được chú trọng hơn để người dân hiểu, nắm bắt quyền lợi của mình, tận dụng tối đa dịch vụ hữu ích này khi cần thiết. Thực hiện hiệu quả công tác TGPL không chỉ hỗ trợ người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, mà còn góp phần hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài; đồng thời cụ thể hóa mục tiêu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong đời sống xã hội. Vì vậy, những kết quả đạt được trong hoạt động TGPL cần được từng địa phương nghiên cứu phát huy; đồng thời sớm có các giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập, khó khăn từ thực tiễn...

HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-nguoi-dan-tiep-can-dich-vu-tro-giup-phap-ly-649589