Vụ án Bảo tàng đồ đồng Bảo Kê

Sáng sớm một ngày, người hướng dẫn viên của bảo tàng thành phố Bảo Kê đến mở phòng trưng bày và chuẩn bị công việc để đón khách vào xem; nhưng ngay lập tức cô choáng váng: Tất cả các di tích văn hóa quý giá khai quật được ở ngôi mộ Như Nha Trang trưng bày trong phòng triển lãm đã biến mất.

Vào thời điểm này, Bảo tàng Bảo Kê lần đầu tiên trưng bày các di tích văn hóa được khai quật từ ngôi mộ cổ của nhà quý tộc Như Nha Trang thời Tây Chu. Trong những báu vật khai quật được, có 140 báu vật đồ đồng thuộc loại quý hiếm như đỉnh đồng, liễn đồng, cốc rượu đồng và thạp đồng là những vật báu vô giá trong toàn quốc.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Triển lãm những báu vật quý hiếm đã thu hút một lượng lớn khán giả và mọi người từ khắp nơi trên đất nước đã đến thăm cuộc triển lãm này, trong đó có cả những tên trộm đã lấy cắp những vật báu.

Các văn vật trưng bày trong bảo tàng bị đánh cắp, một sự kiện quá nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, nhân viên an ninh của bảo tàng thậm chí không có thời gian để báo cáo cho lãnh đạo bảo tàng và ngay lập tức báo cáo vụ việc cho Phòng điều tra hình sự của bảo tàng thành phố Bảo Kê và thành phố đã nhanh chóng báo cáo vụ việc cho Sở Công an tỉnh Thiểm Tây.

Bảo tàng thành phố Bảo Kê nằm ở tòa nhà cổ Kim Đài Quan được xây dựng vào cuối triều Nguyên. Ban đầu nó là tu viện của những đạo sĩ triều Minh, bởi vì ngôi nhà này là một ngôi nhà cổ nên nó thích hợp để làm nhà bảo tàng, vì vậy những người dân địa phương còn gọi bảo tàng này là Kim Đài Quan và vụ trộm cắp di tích văn hóa này cũng được gọi là “Vụ trộm báu vật Kim Đài Quan”.

Kim Đài Quan nằm trên dốc của công viên rừng khu vực phía bắc thành phố Bảo Kê, trước đây, nó là một khu rừng hoang dã và là nơi ẩn náu của bọn trộm cướp.

Bảo Kê nổi tiếng là “Quê hương của đồ đồng” và một số lượng lớn các đồ đồng thanh thời Tần đã được khai quật. Bảo tàng thành phố Bảo Kê có một bộ sưu tập hàng chục ngàn di tích văn hóa, đặc biệt là những đồ đồng nổi tiếng và quý giá được gọi là bảo vật Quốc gia.

Những bộ sưu tập này trước đây nằm rải rác trong 14 ngôi đền và ở trong Tiền Tây Viện, Tiền Đông Viện, Tiền Bắc Viện trong Kim Đài Quan. Ở thời điểm đó, lực lượng an ninh không đầy đủ và không có các thiết bị giám sát, mặt khác vấn đề lưu trữ và bảo quản có nhiều khâu không chặt chẽ, sự cám dỗ rất lớn về giá trị của các di tích văn hóa này nên bảo tàng bị bọn trộm cắp “hỏi thăm” là không thể tránh khỏi.

Các nhà lãnh đạo của Sở Công an thành phố Bảo Kê và các Cảnh sát điều tra tội phạm đã nhanh chóng đến hiện trường. Sau khi kiểm kê có hơn 180 di tích văn hóa đã bị đánh cắp, trong đó có hơn 140 đồ đồng thanh.

Tại hiện trường, Cảnh sát điều tra tội phạm đã chú ý đến dấu vết mà những tên trộm để lại. Trong nhà bảo tàng và trên bãi cỏ, Cảnh sát lấy được một dấu giày đế đúc dài 27,5cm và phát hiện được hai mảnh giấy viết thư mà bọn trộm vứt lại hiện trường.

Trên tờ giấy viết thư màu hồng được in dòng chữ “Thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên” và có hai chữ “Quế Bình”. Những cái tên “Thành Đô” và “Quế Bình” ở trên tờ giấy này đã trở thành bước đột phá đầu tiên trong việc phá án. Sau này khi vụ án được phá, có một tên nữ tội phạm tên là “Trương Quế Bình” đã bị bắt.

Đây là một vụ án rất lớn nên Sở Công an tỉnh Thiểm Tây đã báo cáo vụ án cho Bộ Công an. Bộ Công an đã thông báo ngay lập tức vụ án trong cả nước hy vọng các cơ quan an ninh các địa phương sẽ hợp tác điều tra và tăng cường kiểm soát hải quan và biên giới để ngăn chặn các di tích văn hóa bị đánh cắp không bị buôn lậu ra nước ngoài.

Khi vụ án Bảo tàng Bảo Kê đang được tiến hành điều tra thì một buổi tối thứ bảy lại xảy ra vụ trộm ở Viện thiết kế mỏ và kim loại đen của Bộ Luyện kim. Cảnh sát điều tra cho biết tất cả có 56 ngăn kéo bàn bị cạy, tại hiện trường Cảnh sát lấy được một dấu giày đế đúc dài 27,5cm giống hệt như dấu giày lấy được ở hiện trường vụ án ở Bảo tàng Bảo Kê. Kẻ trộm cắp Bảo tàng Bảo Kê đã xuất hiện trở lại chỉ sau nửa tháng.

Tiếp theo đã có một bước đột phá mang tính quyết định. Các trinh sát hình sự đã phát hiện ra kẻ tình nghi trong sổ đăng ký khách nghỉ trọ tại quầy lễ tân của một khách sạn gần ga ở tỉnh Hồ Nam. Hai khách từ Cục Lâm nghiệp Quý Châu tên là “Phùng Quang Hưng” và “Lý Phú Thành” đã gây nên sự chú ý của các trinh sát điều tra tội phạm.

Qua công tác điều tra, Cảnh sát thấy rằng trước đó Cục Lâm nghiệp Quý Châu đã bị đánh cắp và hàng chục giấy giới thiệu khống cùng với giấy tờ đi công tác của hai nhân viên là Phùng Quang Hưng và Lý Phú Thành đã bị đánh cắp và hiện nay chúng đã xuất hiện ở Hồ Nam.

Ngay khi các Cảnh sát hình sự đến khách sạn để bắt thì tên tội phạm mượn tên “Lý Phú Thành” đã chủ động đầu thú, hắn bị bắt khi đang phạm tội. Sau khi thẩm vấn, hắn khai tên thật của mình là Túc Kiến Văn, hắn không phải là người đi chiếc giày đế đúc dài 27,5cm trong vụ trộm ở Bảo tàng Bảo Kê.

Tên tội pham Túc Kiến Văn khai rằng hắn cũng không biết tên thật của người mang tên “Phùng Quang Hưng”. Bọn chúng chỉ là “bạn tù” quen nhau trong “trại giáo dục thanh thiếu niên” ở Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam một năm trước khi phạm tội trộm cắp. Từ trong trại giáo dục hắn chỉ nhớ mang máng rằng biết lúc đầu “Phùng Quang Hưng” có tên là Hà Tiến Học, người huyện Nghi Chương, tỉnh Hồ Nam, là một người trốn cải tạo lao động.

Theo lời khai của Túc Kiến Văn, Cảnh sát đã bắt được Hà Tiến Học khi hắn đang định trốn khỏi Hồ Nam. Khi bị thẩm vấn, Hà Tiến Học khai nhận mình đã tham gia vào vụ trộm cắp báu vật ở Bảo tàng Bảo Kê.

Trên thực tế tên Hà Tiến Học không hiểu gì về cổ vật nhưng tại sao hắn tham gia vụ trộm báu vật của Bảo tàng Bảo Kê nguyên do là vì hắn quen biết với một người tên là Mậu Vinh ở Quý Dương, lúc đó Mậu Vinh cũng là một người chạy trốn cải tạo lao động.

Mậu Vinh đã giới thiệu Hà Tiến Học với Lý Gia Tân, một người buôn đồ cổ ở Hồ Nam. “Đồ cổ rất có giá trị” Hà Tiến Học người đang khát tiền, trở nên thích thú và hắn nghĩ tới một loạt đồ cổ mà hắn nhìn thấy trong chuyến thăm Bảo tàng Bảo Kê và nảy sinh ý định trộm cắp.

Một tháng sau đó, bọn chúng vào Bảo tàng Bảo Kê với tư cách là khách tham quan mục đích là khảo sát tại chỗ hiện trường để đến tối thì ra tay. Nhìn Lý Tiến Học còn trẻ nhưng hắn là một kẻ trộm cao thủ trèo tường khoét ngạch. Buổi tối hôm đó hắn dễ dàng vào được trong phòng triển lãm và không bị ai phát hiện.

Khi vào được phòng trưng bày, Hà Tiến Học lấy các văn vật ở trong tủ cho vào hai bao tải, sau đó hai tên rời khỏi bảo tàng và mang ngay đồ lấy cắp được đi Vũ Hán, ngày hôm sau bọn chúng mua 30 túi nhựa có kích cỡ khác nhau để đóng gói “hàng tự sản tự tiêu” rồi mang đến Hồ Nam.

Lời khai của Hà Tiến Học làm cho các nhà điều tra tội phạm rất mừng, bởi vì sự thật của vụ án cuối cùng đã được tiết lộ và các báu vật bị đánh cắp vẫn còn ở Hồ Nam. Cảnh sát đã nhanh chóng đến Hồ Nam thu hồi báu vật trả lại cho bảo tàng.

Phải mất 49 ngày kể từ vụ án xảy ra Cảnh sát mới thu hồi được các di tích văn hóa đã bị đánh cắp. May mắn là Cảnh sát đã kịp thời phá án, nếu không những di tích văn hóa quý giá này có thể bị mất và bị lưu lạc nước ngoài, bởi vì hai tên Hà Tiến Học và Lý Gia Tân đang lên kế hoạch đưa các di tích văn hóa đánh cắp được sang Nhật Bản bằng đường biển...

Sau vụ án Hà Tiến Học và Mậu Vinh đều bị kết án tù chung thân, các tên đồng phạm đều bị trừng phạt nghiêm khắc và bị kết án tù giam có thời hạn.

Nguyễn Thiêm (dịch)

Lý Cảnh Nguyên (Trung Quốc)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/vu-an-bao-tang-do-dong-bao-ke-i750349/