Để người dân trao quyền mà không mất quyền

'Tạo cơ sở pháp lý để làm cho người dân trao quyền mà không mất quyền, các cơ quan nhà nước và cá nhân được trao quyền mà không tiếm quyền của dân; đây là vấn đề quyết định nhất bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

“Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”

Trong bài viết về vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, GS. TS. Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền quốc gia, tính thiêng liêng của độc lập dân tộc. Trong đó, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là tất yếu, là tuyệt đối và có ý nghĩa chiến lược, xuyên suốt quá trình cách mạng, quyết định đến các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của quốc gia, dân tộc.

“Cùng với sự toàn vẹn của chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc là tư tưởng chủ đạo, chi phối toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, Người khẳng định: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu. Theo Hồ Chí Minh, độc lập, tự do dân tộc phải thực sự, hoàn toàn và được biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; các quyền dân tộc, quyền con người phải được thực hiện trên thực tế. Độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do của Nhân dân bởi “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì", Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Thực tiễn Cách mạng nước ta đã chứng minh, tư tưởng của Người về chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc đã, đang và ngày càng phát huy giá trị. Đây là cơ sở ý thức hệ quan trọng cho mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể Nhân dân, là căn cứ, mục tiêu và động lực của hoạt động lập pháp ngày nay và mai sau.

“Tạo cơ sở pháp lý để làm cho người dân trao quyền mà không mất quyền, các cơ quan nhà nước và cá nhân được trao quyền mà không tiếm quyền của dân; đây là vấn đề quyết định nhất bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân. Phát huy mạnh mẽ và đặt yêu cầu lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân là yêu cầu tối cao trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân giao. Hoạt động lập pháp phải hướng đến mục tiêu con người, tức là vừa giải phóng mọi tiềm năng của dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân, phát triển sức dân vừa phải tiết kiệm sức dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền Nhân dân, tất cả quyền lực đều thuộc về Nhân dân, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh là "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam". Đặc biệt, chữ “DÂN” được đặt vào vị trí tối thượng.

“Cần chủ động chuyển từ việc tham gia các luật chơi định sẵn thành chủ thể thiết kế luật chơi trên trường quốc tế, từng bước đề xuất xây dựng các điều ước quốc tế từ thực tiễn Việt Nam”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Người luôn căn dặn: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Mọi việc lớn nhỏ đều nhằm làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân. Đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, để mưu cầu hạnh phúc cho dân, bởi dân là chủ thể, dân là thước đo chân lý. “Đối với Người, chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Đối với Người, cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý. Đối với Người, ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân chính là phục tùng chân lý”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Trao quyền mà không mất quyền

Theo GS. Vương Đình Huệ, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về hoạt động lập pháp nhằm xây dựng hệ thống pháp luật không chỉ đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn mà còn phải có tầm nhìn, có chiến lược để dẫn dắt, định hướng thực tiễn. Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập tư tưởng Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 và Kết luận số 01-KL/TW trong hoạt động lập pháp. Kết quả này sẽ góp phần chứng minh tính đúng đắn và hiện thực hóa các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về XHCN và con đường đi lên XHCN ở Việt Nam trong bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chủ quyền, biên giới quốc gia, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tiếp tục luật hóa để làm cơ sở pháp lý thực hiện thành công các chiến lược như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng...

Trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân: Tập trung xây dựng cơ sở pháp lý để xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước. Thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Qua đó, Nhà nước tập trung vào quản lý vĩ mô, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch… “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Với xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Xây dựng cơ chế pháp lý để hiện thực hóa nội dung mới được bổ sung tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng là "dân giám sát, dân thụ hưởng" và thực hiện hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát của Nhân dân.

“Tạo cơ sở pháp lý để làm cho người dân trao quyền mà không mất quyền, các cơ quan nhà nước và cá nhân được trao quyền mà không tiếm quyền của dân; đây là vấn đề quyết định nhất bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân. Phát huy mạnh mẽ và đặt yêu cầu lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân là yêu cầu tối cao trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân giao. Hoạt động lập pháp phải hướng đến mục tiêu con người, tức là vừa giải phóng mọi tiềm năng của dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân, phát triển sức dân vừa phải tiết kiệm sức dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

THÀNH NAM

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-nguoi-dan-trao-quyen-ma-khong-mat-quyen-post1465120.tpo