Để người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Với phương châm 'vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng', Công an huyện Lâm Bình đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT). Từ năm 2018, Công an huyện đã thu hồi hơn 500 VK-VLN-CCHT. Sau khi thu hồi đã thực hiện đúng việc phân loại, bảo quản và tiêu hủy, qua đó, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Lâm Bình là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, người dân đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu sống phụ thuộc vào nương rẫy và khai thác các nguồn lợi từ rừng, nên việc sử dụng và tàng trữ các loại súng còn phổ biến. Vì vậy, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm thu hồi VK-VLN-CCHT trên địa bàn huyện. Đợt cao điểm được tổ chức điểm tại xã Phúc Yên, sau khi sơ kết rút kinh nghiệm đã được tổ chức đồng loạt trong toàn huyện. Thiếu tá Vàng Văn Khư, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, xác định rõ công tác tuyên truyền là nội dung quan trọng, vì vậy, Công an huyện đã triển khai tuyên truyền theo 2 hình thức tập trung và cá biệt. Trong đó, lấy vận động tập trung là yêu cầu cần thiết và vận động cá biệt là khâu then chốt mang tính quyết định.
Trong đợt cao điểm thu hồi VK-VLN-CCHT từ 1-7-2018 đến 30-10-2018, Công an huyện đã tổ chức tuyên truyền cho 13.250 lượt người, 6.260 lượt đại diện hộ gia đình ký cam kết; vận động, thu hồi được 184 các loại VK-VLN-CCHT gồm các loại súng kíp, súng cồn, súng tự chế, kích điện, cạm sắt, nòng súng, nỏ. Qua công tác rà soát nắm tình hình, cán bộ công an xã Phúc Yên đã phát hiện gia đình anh Chúc Toàn Liều, thôn Phiêng Mơ đang sử dụng và tàng trữ 2 súng kíp dùng để săn bắn. Để vận động gia đình tự giác giao nộp, công an xã đã đến tận nhà để tuyên truyền những tác hại của việc tàng trữ, sử dụng súng là vi phạm pháp luật. Anh Liều cho biết, khi được cán bộ tuyên truyền và hiểu được sự nguy hiểm của việc sử dụng và tàng trữ súng, anh đã không ngần ngại mang 2 khẩu súng đến giao nộp lại cho cơ quan chức năng và ký cam kết không tiếp tục sử dụng súng.
Với phương châm bám địa bàn, làm cho dân tin, dân hiểu, lấy biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính, đầu tháng 9 vừa qua, công an xã Xuân Lập đã vận động anh Lò A Quý, thôn Lũng Giềng đến giao nộp khẩu súng kíp mà anh đang sử dụng cho công an xã. Anh Lò A Quý nói, “Khẩu súng này mình làm để bắn con thú rừng, để bảo vệ mùa màng và kiếm thịt ăn. Thế nhưng khi được nghe cán bộ công an tuyên truyền vận động, mình hiểu sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người khác, nên mình tự nguyện giao lại. Thôn mình cũng có rất nhiều người sử dụng súng tự chế, nhưng giờ cũng đã giao nộp rồi. Nếu thấy gia đình nào còn, mình cũng sẽ động viên mang đi giao nộp lại thôi”.
Dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, song, việc tuyên truyền, vận động, thu hồi VK-VLN-CCHT trên địa bàn huyện cũng còn gặp khó khăn do nhận thức của một số người dân còn hạn chế, một số chi bộ và các tổ chức đoàn thể chưa phát huy được vai trò và trách nhiệm trong việc đấu tranh, tố giác những người cố tình không chấp hành việc giao nộp VK-VLN-CCHT.
Thời gian tới, Công an huyện Lâm Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể duy trì công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, sát với thực tế như: Thông qua hệ thống loa truyền thanh không dây tại các xã, qua các buổi họp thôn, sinh hoạt chính trị… Ngoài ra, tổ chức cho 100% hộ gia đình ký cam kết không tự chế, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại VK-VLN-CCHT, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.