Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm trợ giúp người khuyết tật (NKT) như dạy nghề, tạo việc làm, thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội... Từ đó, tạo môi trường, cơ hội cho NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, vượt khó vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Gian hàng thực phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Quế, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa).
Khiếm khuyết trên cơ thể luôn là những trở ngại mà NKT phải đối mặt trong sinh hoạt và lao động hàng ngày. Thế nhưng, không đầu hàng trước số phận, bằng ý chí và nghị lực không ít NKT đã vươn lên trong học tập, lao động sản xuất và làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Điển hình như tấm gương của bà Nguyễn Thị Bắc, thị trấn Bến Sung (Như Thanh). Là một NKT nhưng vượt qua mọi khó khăn, rào cản, bà đã làm rất nhiều nghề, từ bán hàng ăn sáng đến làm bánh lá răng bừa nhập cho nhà hàng, các trường học, và mở thêm cơ sở sản xuất tinh bột sắn dây nên thu nhập của gia đình bà luôn ổn định, trừ chi phí đạt từ 40-50 triệu/năm. Ngoài vươn lên phát triển kinh tế, bà Bắc cũng luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động nhân đạo, từ thiện, ủng hộ quỹ NKT và trẻ mồ côi tại địa phương.
Bản thân cũng là người gặp khó khăn về vận động bởi từ khi sinh ra đã bị dị tật tay phải, nhưng vượt qua khó khăn, chị Nguyễn Thị Quế, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đã nỗ lực học tập và thi đậu cùng lúc 2 trường đại học. Sau đó chị đã chọn học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, chị xin về công tác tại Trường THPT Yên Định 3 (Yên Định), rồi chuyển xuống giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đến nay.
Không chỉ làm tốt công việc giảng dạy, chị Quế cùng với gia đình còn mở thêm cơ sở kinh doanh thực phẩm Nguyễn Quế. Hiện tại, cơ sở của chị đang cung cấp thực phẩm an toàn và được người tiêu dùng lựa chọn như xúc xích, chả phòng, bánh lá răng bừa... Đồng thời, chị cũng là một trong những thành viên sáng lập ra Công ty Cổ phần Kiến tạo tài năng, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh với mục tiêu “Dựng tài năng, xây hạnh phúc” cho các thế hệ trẻ. Trong quá trình hoạt động, chị đã cùng công ty tổ chức nhiều chương trình kỹ năng sống cho trẻ em, mang lại những giá trị về giáo dục, đào tạo cho cộng đồng xã hội, góp phần rèn luyện những lớp trẻ có nhiều kỹ năng sống cần thiết, có khả năng tự lập, tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Chị Quế trải lòng: Dẫu mang khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng tôi luôn bỏ qua mặc cảm tự ti, và luôn động viên mình phải cố gắng, hơn hết là cần sống có trách nhiệm và giá trị hơn. Và những nỗ lực của tôi đã được đền đáp. Giờ đây, tôi đang có 1 gia đình hạnh phúc với 2 đứa con ngoan ngoãn. Chồng tôi luôn động viên, tích cực hỗ trợ tôi trong mọi công việc sản xuất, kinh doanh để tôi có thời gian tham gia các hoạt động xã hội, truyền cảm hứng sống lạc quan, nghị lực cho nhiều người. Và điều mà tôi tự hào nhất đó là “dù là NKT nhưng tôi không chỉ chủ động được cuộc sống của mình, mà còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khác”.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều tấm gương NKT trong tỉnh đã nỗ lực vươn lên để thay đổi bản thân, ổn định cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 217.000 NKT. Thời gian qua, Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa đã tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các cơ sở dạy nghề để mở lớp dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức dạy nghề cho 2.924 người, chủ yếu là các nghề may công nghiệp, may dân dụng, điện dân dụng, chế biến cói, mây tre đan, chế tác tranh gạo rang, làm hoa bất tử, nuôi ong lấy mật...; tổ chức tư vấn và bố trí việc làm cho 3.700 NKT. Trong đó, có nhiều địa phương làm tốt như: TP Thanh Hóa, huyện Nông Cống, thị xã Bỉm Sơn, Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển tỉnh, Câu lạc bộ Vì màu xanh tương lai, Câu lạc bộ Nữ khuyết tật tỉnh...
Cùng với đó, là triển khai các hoạt động sinh kế cho NKT và gia đình có NKT, như: Chương trình bò vàng sinh kế hỗ trợ 320 con bò giống sinh sản, hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn, dê và gia súc. Phát động phong trào khởi nghiệp của NKT, phối hợp tổ chức VCCI và Hội Doanh nghiệp trẻ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và phát triển nghề nghiệp cho NKT. Xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp 175 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Tiêu biểu các huyện làm tốt như, Thạch Thành, Hà Trung, Quảng Xương, Nghi Sơn, Triệu Sơn, TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa.
Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT. Đời sống vật chất, tinh thần của NKT cũng được cải thiện đáng kể; họ có thêm những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và có thể tự lực trong cuộc sống. Ông Trịnh Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa cho biết: Với phương châm không để NKT nào bị bỏ lại phía sau, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình như dạy nghề, tạo việc làm nhằm hỗ trợ NKT; hỗ trợ sinh kế; tạo điều kiện cho NKT tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao... Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế vẫn còn tỷ lệ khá lớn NKT chưa được học nghề phù hợp do các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho NKT còn ít; các cơ quan, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, tạo việc làm cho NKT; ngoài ra, NKT cũng chưa thật sự được tiếp cận với các dịch vụ xã hội hay các công trình công cộng một cách tốt nhất... Bởi vậy, để NKT hòa nhập cộng đồng tốt hơn rất cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và toàn xã hội.