Để người lao động làm giàu trên quê hương mình, không phải cuốn về trung tâm đô thị chật chội

Sáng 8/11, thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, sự đứt gẫy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương từ dịch bệnh đã cho thấy một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Dòng người hồi hương từ dịch bệnh cho thấy cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) bày tỏ, không phủ nhận vai trò của các siêu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đại công trường miền Đông Nam bộ trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm qua, nhưng nếu các siêu đô thị vẫn ôm vào trong lòng mình các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay thì một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này.

 Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luân. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luân. Ảnh: Quochoi.vn

Mặt khác, lại chèn lấn, thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó khả năng chống chịu trước những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai.

Vì vậy, cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để có thể chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Từ đó, có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác để chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả; con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông để có việc làm và ở trên quê hương mình, làm giàu trên quê hương mình mà không phải cuốn về các trung tâm đô thị chật chội.

Thứ ba, để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, chúng ta phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội.

Theo đại biểu, với nội hàm cụ thể có thể là rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ tư, về việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thì khác với các nước trên thế giới. Ở nước ta, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, cho nên hàm chứa nhiều rủi ro và báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo tình trạng áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Do vậy dư địa chính sách tiền tệ là không còn nhiều. Cho nên biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

Đại biểu hoan nghênh chủ trương về việc hình thành quỹ hỗ trợ 2- 3% lãi suất cũng như là việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Đối với gói đầu tư công, đại biểu lo ngại, mặc dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất lớn và rất cấp thiết, nhưng việc phân bố dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả.

Đại biểu đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại đề nghị dành cho bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công tư nhà nước.

Đại biểu nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta vẫn cứ phải tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh toàn dân để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp với thiên hạ.

“Chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam."- Đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, cần tiếp tục tìm giải pháp cho các hoạt động kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Một trong số đó là có giải pháp, chính sách cho phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Theo đại biểu, thời gian qua, một số quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế.

 Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng)

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng)

Trong đó, Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ về cơ chế, chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, kết quả tổng kết, đánh giá toàn diện trong 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn chỉ ra rằng việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là phân cấp, phân quyền cho các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế còn chậm, chưa tạo được những chuyển biến căn bản, chất lượng, thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu, liên kết, hợp tác trong khu công nghiệp.

Trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố và Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế đang mong muốn sửa đổi toàn diện Nghị định 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn cho việc cải thiện đầu tư kinh doanh. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và phát triển.

Đại biểu cho rằng, một trong những nội dung được quan tâm là chính sách khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Khu công nghiệp sinh thái là mô hình khu công nghiệp hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất, môi trường, góp phần xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Tuy vậy, những chính sách ưu đãi đầu tư vào khu vực này cần thiết thực hơn đối với các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sự đột phá để khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Do đó, đại biểu đề nghị chính sách ngoài những ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái theo quy định hiện hành thì Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp có thể được áp dụng tương tự như khu kinh tế.

Phân cấp theo quy định hiện hành thì chủ đầu tư phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục mới được công nhận là khu công nghiệp sinh thái, từ trình hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái tại quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Ban quản lý lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan.

Sau khi có ý kiến các bộ, ngành liên quan thì Ban quản lý tổng hợp báo cáo Ủy ban An ninh tỉnh để cấp giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái. Như vậy, về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận được quy định cho UBND cấp tỉnh nhưng phần thẩm định vẫn thuộc các bộ, ngành.

D. Tùng - Việt An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dong-nguoi-hoi-huong-tu-dich-benh-cho-thay-cach-tiep-can-moi-trong-qua-trinh-cong-nghiep-hoa-440232.html