Để người Việt ngày càng ưu tiên dùng hàng Việt
Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã đạt kết quả ấn tượng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng Việt đã thay đổi tích cực với việc ngày càng nhiều người Việt 'ưu tiên' và tin dùng hàng Việt.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) năm 2019 cho thấy, 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết quan tâm tới Cuộc vận động; 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.
Một nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen chỉ rõ, sau dịch COVID-19 có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Ở Ninh Bình, trong những năm qua, việc triển khai Cuộc vận động luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo doanh nghiệp cũng như người dân.
Đối với các doanh nghiệp, Cuộc vận động đã góp phần khích lệ, động viên doanh nghiệp đổi mới, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm hàng hóa chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường được đẩy mạnh như: Phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về khu công nghiệp; chương trình bán hàng Việt khuyến mại…
Người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng; hàng hóa, sản phẩm do Việt Nam sản xuất có tỷ lệ tiêu thụ ngày càng tăng.
Có thể khẳng định, qua hơn 10 năm triển khai, Cuộc vận động ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, giúp khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ngày càng nhiều người tiêu dùng đã chuyển từ "ưu tiên" sang "tự hào" khi sử dụng hàng Việt.
Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Cuộc vận động, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vừa qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-BCĐ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"trong tình hình mới.
Để Cuộc vận động ngày càng hiệu quả, cần có sự chung tay hành động của cả Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Theo đó, yêu cầu đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là tiếp tục quán triệt các nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản của Cuộc vận động, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.
Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Thúc đẩy các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xây dựng, đăng ký và công bố thương hiệu sản phẩm.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quy trình sản xuất, kinh doanh, nhất là bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống, phù hợp với diễn biến của đại dịch COVID-19. Cùng với đó, đa dạng hóa phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do.
Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp. Đối với các doanh nghiệp phải nỗ lực tối đa để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo thêm tiện ích cho người tiêu dùng, hạ giá thành, thường xuyên cung cấp thông tin trung thực đến khách hàng, đồng thời lắng nghe để hiểu nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và có chính sách phục vụ ngày càng tốt hơn.
Thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tích cực tuyên truyền và hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng là cách để hỗ trợ người tiêu dùng, các doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.