Để nhà băng tự tin đi theo xu hướng 'ngân hàng mở'
Ngân hàng mở (Open Banking) là xu thế tất yếu, mang lại nhiều tiện ích cho cả ngân hàng, doanh nghiệp Fintech và khách hàng, nhưng hiện vẫn thiếu hành lang pháp lý và hạ tầng công nghệ đầy đủ, toàn diện để phát triển.
Khi Open Banking bước vào cuộc sống
Từ một định nghĩa xa lạ, chuyển đổi số đã tiếp cận từng doanh nghiệp, người dân với hơn 500 triệu tài khoản người dùng trên các ứng dụng di động tính tới hết quí 3-2023. Còn số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy Việt Nam hiện có gần 70 triệu người dùng điện thoại thông minh (smartphone), thuộc nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ sử dụng smartphone cao nhất thế giới.
Chỉ với chiếc smartphone, mỗi người dân, dù là ai, ở bất cứ đâu, đều đã, đang và sẽ tham gia vào quá trình chuyển đổi số theo cách của riêng mình. Chẳng hạn, với người bán hàng, khi không có đủ tiền mặt để trả lại khách hàng, thì mã QR và chiếc smartphone giúp mình việc đó được thực hiện chỉ trong vài giây. Tương tự, khách hàng cũng không cần mang theo một lượng tiền mặt lớn khi ra khỏi nhà, nhờ sở hữu một chiếc smartphone được tích hợp nhiều ứng dụng mua sắm có kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến của các ngân hàng/ví điện tử.
Những thao tác nhanh và thuận tiện này, theo ông Nguyễn Chiến Thắng – Giám đốc Trung tâm Phát triển Ngân hàng số của BIDV, là kết quả của mô hình giao dịch ngân hàng mở (Open Banking).
Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng, cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng.
Trong mô hình này, ngân hàng sẽ là người cung cấp các dịch vụ thông qua giao tiếp lập trình ứng dụng mở (Open API) và cùng các đối tác của mình xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn các yêu cầu của người dùng. Trải nghiệm tài chính của khách hàng có thể được cải thiện mạnh mẽ nhờ việc khuyến khích các ngân hàng và các bên thứ ba kết nối với nhau thông qua các Open API của ngân hàng.
Việc triển khai ngân hàng mở giúp các nhà băng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, tối ưu các giải pháp kinh doanh và cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích nhất cho khách hàng. Nền tảng Open Banking đã góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống như: Thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến…
Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu của khách hàng còn hỗ trợ cho việc các ngân hàng chấm điểm tín dụng của khách hàng một cách chính xác. Ngân hàng mở cho phép các bên thứ ba phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.
Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng đang ứng dụng ngân hàng mở trong hoạt động của mình. Chẳng hạn, VietinBank triển khai hệ thống ngân hàng mở với 10 cấu phần, gồm: API gateway; Cổng thông tin và môi trường Sandbox; Định danh và xác thực khách hàng; Quản lý dịch vụ KH sử dụng; Tích hợp thông tin nội bộ; Quy trình kết nối đối tác; Quản lý vòng đời đối tác; Phân tích dữ liệu; Bảo mật dữ liệu; Báo cáo hoạt động.
Hiện tại, mỗi tháng có trên 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng VietinBank iConnect. Trong đó, giao dịch ví điện tử chiếm khoảng 32% tỷ trọng giao dịch. Giao dịch ERP, nhận tiền kiều hối, thu – chi hộ và thanh toán hóa đơn chiếm khoảng 55%. Các giao dịch còn lại như biến động số dư, thanh toán viện phí, nộp thuế, khác chiếm khoảng 13%.
BIDV cũng thúc đẩy và hoàn thiện cổng thanh toán theo hướng ngân hàng mở (BIDV Paygate) kết nối với gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ và các trung gian thanh toán. Điều này cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet, viễn thông, mua vé máy bay, vé xem phim, học phí, viện phí, nộp thuế và các dịch vụ công không dùng tiền mặt.
Mới đây, BIDV và Công ty IBM Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống BIDV Open API với mong muốn sẽ mở rộng và lan tỏa hệ sinh thái số trên các nền tảng mới.
Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết Open API giúp tất cả các dịch vụ của ngân hàng sẽ được chia sẻ rộng rãi trên nền tảng của bất kỳ đối tác nào kết nối với ngân hàng tại bất kỳ điểm chạm hay bối cảnh nào phát sinh nhu cầu tài chính của người dùng.
“Trên smart banking của BIDV, khách hàng cá nhân có thể sử dụng toàn bộ các loại hình dịch vụ từ đăng ký vé máy bay, gọi taxi, đến đặt hoa, mua bảo hiểm, đăng ký trường học. Còn khách hàng doanh nghiệp có thể thực hiệnn nhiều loại hình dịch vụ công như thuế, hải quan, logistics”, ông Thắng nói.
Ở chiều ngược lại, vị này cho biết ngân hàng sẽ biến các sản phẩm/dịch vụ của mình thành API và chia sẻ cho các đối tác để họ đưa API của ngân hàng vào hệ sinh thái của chính họ.
“Khi dịch vụ ngân hàng được ‘nhúng’ vào tất cả các cái hệ sinh thái khác nhau, như BIDV nhúng vào Momo hay Misa, thì các giao dịch ngân hàng sẽ được ẩn trong trải nghiệm mua hàng/sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp đối tác”, ông Thắng nói.
Bên cạnh hai ngân hàng trên, TPBank với dịch vụ kết nối thanh toán qua Open API cũng cho phép doanh nghiệp truy vấn, theo dõi sự thay đổi số dư tài khoản, trạng thái của giao dịch chuyển tiền đi và các thông tin khác theo nhu cầu.
Cần một trung tâm về API và hành lang pháp lý toàn diện
Thực tế, 72,3% tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó có 47,6% đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối (external API), theo số liệu của Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Thậm chí, nhiều TCTD đã xây dựng các API cho phép các bên thứ ba kết nối, triển khai API Portal để các đối tác có thể kết nối vào hệ sinh thái ngân hàng, bên cạnh đó là nhiều nhà cung cấp giải pháp ứng dụng Open API như Open API Connect của IBM; WS02 open source, APIGee của Google…
Tuy nhiên, việc xây dựng hạ tầng Open API vẫn diễn ra theo hướng cục bộ, tức phát triển ở từng ngân hàng riêng lẻ. Việc mỗi bên đang có tiêu chuẩn riêng về kết nối, nền tảng công nghệ lõi để đảm bảo yêu cầu chất lượng dịch vụ cung cấp đã tạo nên các hợp tác đan chéo, tốn nguồn lực và chi phí.
Dẫn chứng, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc NHNN, cho biết gia đình ông vừa nhận được một hóa đơn dịch vụ với 2 lựa chọn thanh toán, gồm: vào app của khu căn hộ để trả tiền; đơn vị cung cấp dịch vụ thông báo qua email cho là chuyển tiền vào số tài khoản với nội dung ABC.
“Điều này cho thấy chúng ta đã có Open API, nhưng không tích hợp nên mỗi người một nẻo, mỗi người một khúc”, ông Dũng nói và cho biết một người dùng có thể phải cài nhiều ứng dụng khác nhau của ngân hàng và bên cung cấp dịch vụ.
Theo Phó thống đốc NHNN, thay vì để xảy ra tình huống hàng ngân hàng có hàng chục Open API khiến bên thứ ba phải truy cập vào tất cả Open API để trao đổi dữ liệu, thì cần có một trung tâm (Hub) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào một nơi mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng.
“Nếu đã có Open API, Open Banking và kết nối liên thông, giao dịch của khách hàng sẽ được thực hiện liền mạch. Khoản thanh toán của gia đình tôi sẽ được hiển thị trên một nền tảng, sau khi thanh toán sẽ có thông báo là không còn hóa đơn nào nữa”, ông Dũng nói.
Về vướng mắc pháp lý, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, cho biết Open Banking là xu thế không còn mới nữa nhưng có nhiều hành lang pháp lý chưa được làm rõ.
Thứ nhất, giấy phép ngân hàng là có điều kiện, dịch vụ ngân hàng có điều kiện.
“Vậy nếu cung cấp dịch vụ ra ngoài cho đối tác khác thì trách nhiệm cho đúng pháp luật dịch vụ đó thuộc về ai? Ví dụ, công ty về cờ bạc, gaming gọi dịch vụ API để chuyển tiền thì trách nhiệm ngân hàng như thế nào? Bản thân người cung cấp API có trách nhiệm thế nào đảm bảo đúng pháp luật?”, ông Lân nêu vấn đề
Thứ hai, chưa có đơn vị thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ ba được cấp phép sử dụng Open API của ngân hàng.
Thứ ba, Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định khi ngân hàng cung cấp API với các đối tác thứ ba và ngược lại, cần phải được sự đồng ý của khách hàng để đảm bảo dữ liệu cá nhân của khách hàng được sử dụng đúng mục đích.
“Nếu muốn phát triển mạnh hơn nữa thì phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho người sử dụng và người cung cấp API”, ông Lân nhấn mạnh.
Để triển khai hiệu quả Open Banking, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Napas, cho rằng cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt trong việc chia sẻ và bảo mật thông tin. Với cơ sở này, các ngân hàng và các bên liên quan có thể an tâm về việc chia sẻ dữ liệu với các quy định về việc “Dữ liệu nào được chia sẻ?”, “Bảo mật ra sao?”.
Ngoài ra, cần có tiêu chuẩn chung, vì hiện nay khi ngân hàng triển khai theo tiêu chuẩn của từng ngân hàng, ngân hàng và các trung gian thanh toán tự thỏa thuận với nhau. Tuy vậy, để triển khai mạnh trên thị trường thì cần có bộ quy tắc chung.
“Không những cần có tiêu chuẩn chung, mà còn tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ cung cấp, tiêu chuẩn về vận hành. Chẳng hạn, ứng xử ra sao khi giao dịch phát sinh lỗi và làm gì để đảm bảo quyền lợi tương ứng cho khách hàng… dành cho các bên tham gia cung ứng dịch vụ”, ông Long lưu ý.
Với cơ sở trên, vị này cho rằng mô hình Open Banking cần có tiêu chuẩn chung và sự chia sẻ dữ liệu từ các ngân hàng, bên thứ ba. Tuy nhiên, hiện chưa có khung pháp lý để điều chỉnh nội hàm này.
“Các vấn đề như nền tảng, công nghệ, dữ liệu dù có khó cũng có thể tìm ra giải pháp để xử lý, khắc phục nhưng để đảm bảo an toàn trong bảo mật thông tin khách hàng, thông tin cơ sở dữ liệu thì cần có khung pháp lý để các ngân hàng, bên thứ ba có cơ sở triển khai và hoạt động an toàn, đảm bảo tính bảo mật thông tin”, ông Long khuyến nghị.
Còn một lãnh đạo của Vụ thanh toán thuộc NHNN kỳ vọng Thông tư về Open API có thể ban hành trong năm 2024, qua đó tạo hành lang pháp lý bước đầu để các tổ chức tín dụng cũng như các đơn vị khác có thể cung cấp nền tảng Open API. Bên cạnh đó, NHNN đã trình Chính phủ nghị định về sanbox dành cho fintech.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-nha-bang-tu-tin-di-theo-xu-huong-ngan-hang-mo/