Để nhà giáo dám nghĩ, dám làm: Vượt lên nỗi sợ

Thời gian qua, ngành Giáo dục có không ít tấm gương nhà giáo dám nghĩ, làm, đổi mới trong chuyên môn, quản lý giáo dục… nhằm mang lại lợi ích chung.

Cô giáo thực hiện massage cho trẻ tại Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: Ánh Ngọc

Cô giáo thực hiện massage cho trẻ tại Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: Ánh Ngọc

Đúng người, đúng việc

Có lẽ ít trường học ở vùng núi cao nào giáo viên không phải xuống thôn, nóc vận động học sinh ra lớp như ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam).

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường đã trao đổi với đại diện chính quyền địa phương về quan điểm vận động học sinh ra lớp là trách nhiệm của hệ thống chính trị, từ trưởng thôn nóc đến UBND, Đảng ủy xã... Công việc của giáo viên là đi dạy, đảm bảo để học sinh yêu thích trường lớp, không sợ học chứ không làm thay công việc của chính quyền, đoàn thể.

Thầy Chín kể, thời gian đầu, ban giám hiệu cùng giáo viên nhà trường xuống từng nóc vận động học sinh ra lớp. “Quá trình vận động chúng tôi thấy, đối với trường hợp nghỉ học theo kiểu ‘bám trường một tay’, khi thầy cô xuống nhà vận động, phụ huynh và học sinh dễ nảy sinh tâm lý việc học của thầy cô, thầy cô cần học sinh. Vì vậy, các em thường có tâm lý ỷ lại, không chuyên cần. Do đó, chúng tôi có chủ trương giáo viên không vận động học sinh ra lớp nữa”, thầy Chín chia sẻ và cho hay:

Với học sinh vắng học đột xuất, đại diện ban giám hiệu sẽ liên hệ với trưởng thôn, nóc để nắm thông tin. Nếu vì đau ốm hay gia đình gặp biến cố đột xuất, thầy cô sẽ đến nhà thăm hỏi, động viên. Trường hợp hoàn cảnh quá ngặt nghèo, nhà trường hỗ trợ kịp thời hoặc vận động để giúp đỡ lâu dài. Còn việc vận động học sinh nghỉ học không có lý do chính đáng thì trưởng thôn đảm nhiệm.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam cũng là trường duy nhất hiện nay không có điểm lẻ tại thôn, nóc. Từ năm học 2020 - 2021, ban giám hiệu trường đến từng thôn để vận động phụ huynh nhằm chuyển toàn bộ học sinh lớp 1 - 2 ở 7 điểm lẻ về học tập tại điểm trường chính. Tại đây, các em học trong phòng học khang trang, ăn ngày 3 bữa, được “Nhà nước nuôi”, mùa Đông có chăn ấm, mùa Hè có quạt mát…, thay vì buổi trưa phải về nhà ăn cơm, chiều lại ra lớp khi học ở điểm trường thôn, nóc.

Xóa điểm trường thôn, theo thầy Võ Đăng Chín, đã giúp Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam giải quyết được bài toán thiếu giáo viên. Theo tính toán của thầy Chín, mỗi điểm trường thôn chỉ khoảng 20 - 25 học sinh nhưng phải có một giáo viên đứng điểm. Trong khi đó, nếu chuyển học sinh về học tại điểm trường chính, nhà trường không phải phân tán nguồn lực mà có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đảm bảo học sinh được công bằng trong hưởng thụ.

Đều đặn chiều Chủ nhật mỗi tuần, bà Hồ Thị Nương, 60 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Nam lại dẫn nhóm học sinh của thôn xuống trường. Bà Nương có 2 cháu đang độ tuổi học tiểu học, lại không đủ sức khỏe để đi rừng, làm rẫy nên được các hộ dân trong thôn cắt cử đảm nhận việc đưa đón và hỗ trợ nhà trường trong công tác bán trú.

Bà Nương kể: “Khi các cháu vào lớp, tôi cùng gần chục phụ huynh khác phụ giúp công việc nhà bếp, vệ sinh khu nội trú. Đưa cháu xuống núi đi học, bản thân vừa chăm cháu nhưng cũng động viên được các cháu khác cùng thôn, nhất là những trẻ lớp Một lần đầu xa nhà, nhớ bố mẹ”.

Mỗi phòng nội trú được kê thêm giường xen kẽ để phụ huynh ngủ cùng. Ngoài ra, phụ huynh còn ăn chung với học sinh. Để có kinh phí ăn ở cho phụ huynh, nhà trường cân đối, tiết kiệm các khoản chi tiêu thường xuyên, vận động nhà hảo tâm, thầy cô ủng hộ. Nhờ tính toán hợp lý, cùng nguồn hỗ trợ từ cá nhân, đội nhóm, mỗi năm học sinh nhà trường còn mang về cho bố mẹ khoảng 50 kg gạo.

Thầy Chín cho rằng, học sinh người dân tộc nếu được chăm sóc bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, hướng dẫn phương pháp học tập, có sự kèm cặp, hỗ trợ của thầy cô thì kết quả học tập cải thiện rất rõ rệt. “Nhiều em đã chọn theo ngành sư phạm rồi trở thành đồng nghiệp. Các em chăm chút cho học sinh của mình như những gì ngày xưa nhận được từ thầy cô. Sự nối tiếp này, khiến chúng tôi tin tưởng hơn vào nỗ lực để vượt qua rào cản, thói quen cũ trong công việc”, thầy Chín bày tỏ.

 Phụ huynh các thôn, nóc cùng hỗ trợ đội ngũ cấp dưỡng của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam chuẩn bị bữa ăn cho học sinh. Ảnh: NTCC

Phụ huynh các thôn, nóc cùng hỗ trợ đội ngũ cấp dưỡng của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam chuẩn bị bữa ăn cho học sinh. Ảnh: NTCC

Nhận thêm việc về mình

Dù không nằm trong danh sách những đơn vị thí điểm nhận trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi, nhưng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn đăng ký để mở thêm nhóm lớp ở độ tuổi này. Tháng 1/2024, khi tiếp nhận khối phòng học được UBND quận Hải Châu đầu tư xây dựng mới, nhà trường bắt tay triển khai công tác chuẩn bị, tập huấn giáo viên để tuyển sinh nhóm trẻ từ 6 tháng tuổi.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Thư Trâm cho biết, để giáo viên tự tin nhận lớp trẻ 6 - 12 tháng tuổi, nhà trường hợp đồng thêm một nhân viên y tế có bằng điều dưỡng để hỗ trợ thêm cho giáo viên. Đến tháng 5/2024, nhóm lớp này đã nhận 14 trẻ; tỷ lệ trẻ đi học hằng ngày từ 8 - 10 cháu.

“Một điểm đặc biệt của nhóm trẻ 6 – 12 tháng tuổi là hoạt động làm quen để có sự tự tin ở môi trường mới, trẻ không có cảm giác rời xa bố mẹ. Vì vậy, phụ huynh cần hợp tác trong thời gian đầu trẻ đến lớp. Giáo viên bố trí để nửa tháng đầu, phụ huynh cùng tham gia một số hoạt động với trẻ ở một số khung giờ nhất định”, cô Đinh Thị Huệ - giáo viên đứng lớp cho biết.

Nhiều ông bố đã vào lớp để thực hành massage cho trẻ. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, phụ huynh bé Nguyễn Khánh Ngọc, cho biết: “Dẫu mỗi hoạt động, phụ huynh chỉ tham gia 30 phút nhưng đã giúp tôi có thêm cơ hội kết nối với con, có thể đồng hành cùng vợ chăm sóc con tốt hơn”.

Cô Thư Trâm cũng chia sẻ, mô hình dây chuyền trong bếp ăn chỉ phù hợp với trẻ từ 18 tháng trở lên. Vì vậy, để giảm bớt cường độ lao động cho giáo viên đứng lớp nhóm trẻ 6 - 12 tháng tuổi, Trường Mầm non Ngọc Lan đã phân công một nhân viên cấp dưỡng luôn bám thực đơn để phục vụ bữa ăn của trẻ đúng thời gian. Trước bữa ăn chính, trẻ được ăn chỉ huy để làm quen các thao tác cầm, nắm, gặm.

Trước khi đề xuất được thí điểm nhận trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, cô Thư Trâm cho biết, nhà trường phải giải quyết bài toán bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ và cân đối chi phí tiền lương ngoài giờ đứng lớp cho giáo viên. “Cơ cấu lớp phải hợp lý, lớp khoảng 10 trẻ nhưng luôn có 3 cô đứng lớp.

Trong khi đó, với lớp lớn và nhỡ, chỉ 2 cô giáo nhưng sĩ số đạt khoảng 35 trẻ/lớp. Nhà trường phải điều tiết để đảm bảo tiền lương bán trú cho giáo viên như nhau. Không thể nói giữ 10 trẻ thì công việc nhẹ nhàng hơn 35 trẻ vì trách nhiệm và nhiệm vụ của giáo viên nuôi dạy trẻ ở những độ tuổi này khác nhau”, cô Thư Trâm chia sẻ.

Mô hình nuôi ăn ở cho phụ huynh như cách làm của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam phù hợp với một huyện có địa hình giao thông đi lại cách trở. Cách làm này vừa góp phần nâng dần chất lượng giáo dục miền núi, đồng thời hướng dẫn thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống, cách phòng bệnh… cho phụ huynh học sinh. - Ông Võ Đăng Thuận (Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My, Quảng Nam)

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-nha-giao-dam-nghi-dam-lam-vuot-len-noi-so-post698906.html