Dễ nhầm lẫn viêm xoang và ung thư vòm họng

Chị M.T.P. (52 tuổi, TP.HCM) uống thuốc điều trị viêm xoang 1 tháng không hết, đau nhức vùng mặt nhiều. Sau khi thăm khám, các bác sỹ phát hiện chị có khối u ác tính ở vòm họng.

Chị P. từng đi khám bệnh viện quận, chụp CT, được chẩn đoán viêm xoang, uống thuốc điều trị nhưng hơn 1 tháng không hết. Chị đau nhức vùng mặt nhiều hơn, thỉnh thoảng khạc ra đàm lẫn máu. Chị lo lắng, đến bệnh viện thăm khám.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Qua khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng, phát hiện khối u ở vòm họng, nghi ngờ ung thư nên đã thực hiện sinh thiết khối u để làm giải phẫu bệnh. Xét nghiệm mô bệnh học cho kết quả chị P. bị ung thư vòm họng.

Chị P. được hướng dẫn qua khám chuyên khoa Ung Bướu để tiến hành thêm các cận lâm sàng chẩn đoán giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị.

Kết luận chẩn đoán chị P. ung thư vòm họng giai đoạn 1 với ung thư tại chỗ, chưa xâm lấn cơ quan xung quanh, chưa di căn hạch và chưa di căn các cơ quan xa. Phương pháp điều trị chính của ung thư vòm thường là xạ trị.

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển bằng cách phá hủy DNA của chúng.

Theo các bác sỹ Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, ung thư vòm nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì tiên lượng thời gian sống tốt.

Tỷ lệ sống sau 5 năm với ung thư vòm giai đoạn ung thư tại chỗ là 82%. Ở giai ung thư di căn hạch, tỷ lệ này giảm xuống còn 72% và khi ung thư ở giai đoạn di căn xa, tỷ lệ này giảm xuống còn 49%, theo Thư viện Y khoa Mỹ.

Ung thư vòm họng là ung thư vùng đầu cổ, bắt đầu ở vòm mũi họng (phía sau mũi, chỗ tiếp giáp giữa mũi với họng), là đường dẫn không khí từ mũi đến cổ họng.

Ung thư vòm họng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi; tuy nhiên bệnh thường được chẩn đoán ở người trên 50 tuổi. Nam giới có xu hướng mắc ung thư vòm họng nhiều hơn phụ nữ, cao gấp 2-3 lần.

Theo Tổ chức nghiên cứu ung thư của Anh (Cancer Research UK), có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm, như di truyền, người hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu bia, gia đình có người mắc ung thư vùng đầu cổ, người nhiễm một số loại virus HPV, hoặc thường xuyên tiếp xúc với bụi gỗ, hóa chất công nghiệp.

Bác sỹ Phúc Anh cho biết, triệu chứng của ung thư vòm giai đoạn đầu rất mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn với bệnh đường mũi xoang với các triệu chứng như nghẹt mũi, đau họng, viêm tai tái phát, khối hạch ở cổ, đau mặt, giảm thính lực, chảy máu mũi…

Nên nếu người bệnh có những triệu chứng ở vùng đầu cổ, tái phát liên tục, điều trị không giảm sau 1-2 tháng dùng thuốc điều trị nên đi khám, nội soi tai mũi họng, tầm soát ung thư. Ngoài ra, nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư mỗi năm một lần.

Hệ thống nội soi tai mũi họng hiện nay hỗ trợ bác sỹ quan sát lớp niêm mạc bên trong vùng tai mũi họng, quan sát rõ các tổn thương, xác định chính xác bệnh, có biện pháp can thiệp sớm và điều trị phù hợp.

Để phòng ngừa ung thư vòm họng, mọi người nên hạn chế tiếp xúc nơi ô nhiễm, tránh uống rượu bia, không hút thuốc lá; nên có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh; nên tiêm phòng HPV.

Lưu ý, nên hạn chế ăn thức ăn bảo quản bằng muối và chất nitrosamine như cá muối, thịt muối vì làm tăng khả năng nhiễm EBV - virus liên quan mật thiết đến ung thư vòm họng.

Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư vòm họng là 12%, chiếm một tỷ lệ khá cao so với các bệnh ung thư khác. Trong số đó có tới 70% bệnh nhân mắc ung thư vòm họng phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối khiến cho việc điều trị trở nên rất khó khăn.

Do chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh nên rất khó để đưa ra các biện pháp phòng tránh tốt nhất. Tuy nhiên, dựa trên đối tượng mắc bệnh thường là những người hay uống rượu, hút thuốc hoặc ăn các đồ ăn lên men, chúng ta có thể phòng tránh bệnh ung thư vòm họng bằng 1 số lưu ý như sau kiêng hoàn toàn thuốc lá, rượu bia và các đồ uống có cồn, có gas

Không ăn thức ăn mặn, thức ăn muối như thịt muối, cá muối, thức ăn lên men như dưa muối, cà muối. Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Tập thể dục thể thao để tăng sức sức khỏe và tăng sức đề kháng cho cơ thể

Tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà bác sỹ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư vòm họng phổ biến là xạ trị và hóa trị liệu.

Đối với những bệnh nhân ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, việc điều trị chỉ có ý nghĩa nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Nên cho bệnh nhân ăn các đồ ăn lỏng, dễ nuốt nhưng đảm bảo chất dinh dưỡng. Sau khi thực hiện điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị liệu, bệnh nhân cần thường xuyên luyện tập há miệng và xoa bóp vùng cổ để giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị kể trên.

Theo một nghiên cứu ở Mỹ năm 2010, số người sống sót sau 5 năm phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn 1 là 72%, phát hiện ở giai đoạn 2 là 64%, phát hiện ở giai đoạn 3 là 62% và ở giai đoạn 4 là 38%. Tuy nhiên, tùy theo thể trạng và tâm lý của bệnh nhân mà thời gian sống của họ có thể khác nhau.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-nham-lan-viem-xoang-va-ung-thu-vom-hong-d228413.html