Để nhiệm vụ, quyền hạn tương xứng với vị trí, vai trò

Từ yêu cầu thực tiễn về việc giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND, gắn liền với các giải pháp hạn chế việc tổ chức kỳ họp bất thường, bảo đảm tiết kiệm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành của UBND để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND huyện Phú Giáo, Bình Dương cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND để nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tương xứng với vị trí, vai trò theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nhiều vấn đề chưa rõ, gây lúng túng

Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì: Thường trực HĐND là cơ quan Thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luậtnày và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND”. Như vậy, có thể nói Thường trực HĐND là lực lượng nòng cốt, lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác liên quan, nhất là trong giải quyết vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp. Thực tế cho thấy, nội dung giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp tập trung chủ yếu về lĩnh vực kinh tế - ngân sách, đầu tư công và một số vấn đề khác liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thường trực HĐND huyện Phú Giáo giám sát công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện. Ảnh: Hải Sâm

Thường trực HĐND huyện Phú Giáo giám sát công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện. Ảnh: Hải Sâm

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND đã được thể hiện rõ tại Điều 104, Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 10 nội dung và các nhóm nhiệm vụ chính gắn liền với kỳ họp HĐND, giám sát, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban, giữ mối liên hệ với các cơ quan, tổ chức cùng cấp, tổ chức triển khai hoạt động của đại biểu HĐND và các nhiệm vụ về công tác bộ máy, nhân sự. Như vậy, Thường trực HĐND được nhấn mạnh với vai trò là cơ quan thường trực, nhưng thiên về các nhóm nhiệm vụ bảo đảm, duy trì để HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Cũng theo Điều 104, Thường trực HĐND chỉ có nhiệm vụ “phối hợp với UBND trong việc chuẩn bị kỳ họp của HĐND”. Mọi vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND phải được giải quyết tại kỳ họp HĐND, không có ủy quyền, giao quyền hoặc phân công của HĐND đối với một chủ thể khác để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được luật định là của HĐND. Cũng không còn cơ chế phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp như trước đây được quy định tại Khoản 4, Điều 21, Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Thường trực HĐND huyện Phú Giáo, Bình Dương: trong thực tiễn hoạt động hiện nay, thẩm quyền của Thường trực HĐND cũng còn nhiều vấn đề chưa rõ, gây lúng túng cho địa phương khi phải giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Đơn cử như Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định việc điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND (Điều 26 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND huyện), nhưng Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thì Thường trực HĐND được thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trên cơ sở trình của UBND (Khoản 3, Điều 52). Tuy nhiên, đến ngày 30.1.2019, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 hướng dẫn một số hoạt động của HĐND, quy định tại Điều 1, việc xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND phải được tiến hành tại kỳ họp HĐND. Điều đó đã gián tiếp khẳng định Thường trực HĐND không có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND.

Giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh

Thường trực HĐND huyện Phú Giáo nhấn mạnh: với quy định hiện nay về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của Thường trực HĐND trong giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thì vẫn còn khó khăn cho hoạt động của Thường trực HĐND huyện. Vì trong thực tiễn hoạt động của HĐND, có nhiều vấn đề quan trọng, phát sinh giữa hai kỳ họp liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương cần quyết định ngay. Trong khi đó, thẩm quyền của Thường trực HĐND huyện cũng chưa được quy định rõ ràng, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành của UBND huyện và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương, chưa tạo ra cơ chế để các chủ thể thực hiện thuận lợi, hiệu quả.

Vì vậy, để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND, gắn liền với các giải pháp hạn chế việc tổ chức kỳ họp bất thường, bảo đảm tiết kiệm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của HĐND, thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển, Thường trực HĐND huyện Phú Giáo kiến nghị việc cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND để nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tương xứng với vị trí, vai trò theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

NGUYỄN NHẬT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/de-nhiem-vu-quyen-han-tuong-xung-voi-vi-tri-vai-tro-i317238/