Để những bài học 'uống nước nhớ nguồn' thấm sâu
Giáo dục tri thức song hành với hoạt động rèn luyện đạo đức được xem như hai yếu tố trọng yếu trong mỗi nhà trường.
Chính vì mục tiêu trên mà nhiều năm qua hoạt động vì cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa được các trường học quan tâm và thúc đẩy thông qua nhiều hình thức.
Giáo dục qua thực tế
Trong bối cảnh mới với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh, sinh viên có vai trò quan trọng nhằm giáo dục, tu dưỡng và khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Để tăng cường sức hút từ các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, đền ơn đáp nghĩa, các trường đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều hoạt động bồi đắp lý tưởng sống, khát vọng cống hiến theo hướng gần gũi thông qua các hoạt động xã hội vì cộng đồng.
Hiện nay, ngoài các hoạt động tình nguyện (mùa Hè xanh, hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi) các trường đại học đang đổi mới và hướng các hoạt động cho sinh viên đến với cộng đồng, xã hội như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ngôi nhà tình thương”…
“Nghĩa trang liệt sĩ ngành Giáo dục tại tỉnh Tây Ninh để lại nhiều suy nghĩ cho từng sinh viên mỗi lần tới đây. Đó là ấn tượng về tình yêu đất nước mãnh liệt, ý chí kiên trung, tinh thần dân tộc lớn lao. Sự dấn thân, hy sinh của mỗi thầy cô giáo cho nền độc lập dân tộc trong những năm tháng khó khăn đã để lại những bài học lớn lao cho thế hệ trẻ.
Những mẩu chuyện, thước phim lịch sử được ghi lại, soi chiếu về một hành trình vĩ đại của các nhà giáo đi trước… càng khơi gợi, thúc đẩy tinh thần dân tộc mạnh mẽ với từng sinh viên”, anh Nguyễn Minh Ngọc, Bí thư Đoàn trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Cùng đó, nhiều trường tổ chức cho thanh niên gặp gỡ các nhân chứng, tìm hiểu về di tích lịch sử. Nghĩa trang Liệt sĩ Giáo dục tại Tây Ninh là một trong những “địa chỉ đỏ” được học sinh, sinh viên các trường ở TP Hồ Chí Minh chú trọng, quan tâm và chăm sóc.
Là người may mắn được tới viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang đồi 82 tỉnh Tây Ninh hai lần, Nguyễn Hồng Thắm, sinh viên năm cuối Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho biết, mỗi lần ghé thăm, tìm hiểu, soi chiếu lại lịch sử qua lăng kính của người trẻ, càng thấy được những giá trị của sự hy sinh mà thế hệ trước đánh đổi cho niềm tin độc lập dân tộc.
“Tinh thần và niềm tin dân tộc có lẽ là những điều em thấy rõ nhất ở thế hệ thầy cô giáo đã chiến đấu và hy sinh tại đây. Họ vì cái chung mà không tiếc tuổi trẻ, máu xương; họ chấp nhận những gian khổ để hướng đến một mục tiêu duy nhất. Đây là điều mà các thế hệ trẻ như chúng em phải luôn ghi nhớ, rèn luyện và tu dưỡng để xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã đánh đổi để có được”, Hồng Thắm trao đổi.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TP Hồ Chí Minh, việc các nhà trường đưa học sinh, sinh viên đến chăm sóc, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ là hoạt động thiết thực để giáo dục cho các em truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Qua đó, các em cũng hiểu sâu sắc hơn về truyền thống đấu tranh vẻ vang của dân tộc.
Khơi gợi tinh thần dân tộc
Việc tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng theo hướng gần gũi, thiết thực cho sinh viên đóng vai trò lớn trong xây dựng và hình thành cho thế hệ trẻ những góc nhìn, tư duy tốt và định hướng sống đúng đắn.
Theo anh Lê Văn Sony, Bí thư Đoàn trường, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, mỗi thế hệ sinh viên đều mang màu sắc, cá tính khác nhau. Nhưng điểm chung của các bạn là mong muốn có nhiều hoạt động ý nghĩa để tham gia.
Để tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn và giáo dục truyền thống cách mạng sao cho linh hoạt, có sức hút, Đoàn trường, Hội sinh viên các trường cần có chiến lược cụ thể trong việc tạo dựng sân chơi, hoạt động. Trong đó, yếu tố bám sát thực tiễn, mong muốn nguyện vọng của sinh viên cần được ưu tiên hàng đầu.
“Liên tục đổi mới các hoạt động trải nghiệm đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn hay giáo dục truyền thống cách mạng trong môi trường học đường là việc hết sức cần thiết. Vì thời đại hiện nay công nghệ ngày càng tiên tiến và phát triển, mỗi hoạt động được tổ chức phải gắn liền với thực tế và đời sống xã hội thì mới có thể gắn kết, giáo dục và bồi đắp cho học sinh, sinh viên những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Thực tế, việc đưa sinh viên đến thăm và chăm lo các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ hay hoạt động về nguồn… đều mang đến cho các em những trải nghiệm đáng nhớ. Ở từng hoạt động, sinh viên khi đồng hành đều được gặp gỡ tiếp xúc nhiều câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, điều này giúp các em có nhiều góc nhìn, thấu hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của cuộc sống.
Việc nhà trường đưa sinh viên về thăm và tìm hiểu lịch sử tại Nghĩa trang Liệt sĩ Giáo dục tại Tây Ninh sẽ có nhiều ý nghĩa hơn nếu những câu chuyện, thước phim lịch sử của 625 liệt sĩ - nhà giáo đã hy sinh nơi đây được tô đậm một cách sinh động”, anh Sony đánh giá.
“Tôi tin rằng, các giá trị lịch sử của khu tưởng niệm 625 anh hùng liệt sĩ ngành Giáo dục tại tỉnh Tây Ninh sẽ thấm sâu hơn vào trong suy nghĩ, hành động của học sinh, sinh viên nếu chúng ta có thể phục dựng lại những câu chuyện sống, chiến đấu của hàng ngàn thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước năm xưa. Qua những câu chuyện lịch sử oai hùng trong chiến đấu, chống giặc ngoại xâm của thầy cô, học sinh, sinh viên sẽ được khơi gợi nhiều hơn tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước”. - Cô Phạm Thúy Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục Quận 4, TP Hồ Chí Minh
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-nhung-bai-hoc-uong-nuoc-nho-nguon-tham-sau-post647797.html