Để những cánh rừng mãi xanh

Hết mùa nắng, đến những đợt mưa dầm, bước chân tuần rừng của lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt Khu bảo tồn) vẫn không ngơi nghỉ.

Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng phối hợp với Trạm Kiểm lâm cơ động Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai triển khai kế hoạch tuần tra. Ảnh: Đ.Phú

Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng phối hợp với Trạm Kiểm lâm cơ động Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai triển khai kế hoạch tuần tra. Ảnh: Đ.Phú

Với các anh, tiếng gọi thiêng liêng của rừng già ở Khu bảo tồn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình yêu đối với rừng.

Quyết tâm bám trạm, bám rừng sâu

Khu bảo tồn có tổng diện tích rừng tự nhiên trên 32 ngàn hécta. Rừng đơn vị quản lý là những cánh rừng già Mã Đà - Hiếu Liêm - Vĩnh An bạt ngàn. Ngoài mang giá trị về kinh tế, văn hóa, lịch sử, rừng trong Khu bảo tồn còn là “lá phổi xanh” của tỉnh, khu vực miền Đông Nam Bộ và là nơi nhiều bạn trẻ học lâm nghiệp tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Mưa rừng rả rích những ngày đầu tháng 9-2024, đường vào Trạm Kiểm lâm Đakinde như dài thêm khi đi bằng xe máy. Quả thật, chúng tôi có chút hối tiếc vì trước đó đã từ chối lời đề nghị của cán bộ quản lý bảo vệ rừng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Phùng Cảnh Đức bố trí ô tô đưa đi.

Sau hơn 2 giờ chật vật chạy xe máy trên đường nhựa, đường rừng và qua rất nhiều trạm cửa rừng, cuối cùng Trạm Kiểm lâm Đakinde cũng hiện ra trong cơn mưa buổi sáng. Đón chúng tôi trong sự hồi hởi và cái bắt tay ấm áp, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đakinde Trương Minh Ngọc mở lời, do mấy hôm nay mưa dầm, lại rơi vào dịp Lễ Quốc khánh 2-9 nên phải tăng cường công tác bảo vệ rừng. Tại trạm chỉ có ông và kiểm lâm viên Sùng A Khua trực, còn các kiểm lâm viên khác đang đi tuần rừng, chiều tối mới về tụ họp.

Đường vào Trạm Kiểm lâm Đakinde, Trạm Kiểm lâm Bù Đăng lầy lội vì mưa nhiều.

Đường vào Trạm Kiểm lâm Đakinde, Trạm Kiểm lâm Bù Đăng lầy lội vì mưa nhiều.

Trạm Kiểm lâm Đakinde có 7 nhân sự, quản lý 6 tiểu khu với trên 5,7 ngàn hécta rừng tự nhiên. Trạm trưởng Trương Minh Ngọc nói vui, ông là người có thâm niên gắn bó với rừng gần 30 năm nên được lãnh đạo Khu bảo tồn và đồng nghiệp tín nhiệm làm trạm trưởng ở đây. Công việc của các thành viên trong trạm ngoài một tuần được nghỉ một ngày hoặc dồn lại 5-6 tuần về thăm nhà 2-3 ngày thì gần như tất cả thời gian còn lại đều có mặt trong rừng. Để tạo niềm vui, động viên tinh thần anh em, các ngày lễ lớn trong năm như: 30-4, 2-9…, trạm đều tổ chức buổi liên hoan nho nhỏ trước hoặc sau khi đi tuần rừng về.

Tháng 9-2024, mưa rừng ở Trạm Kiểm lâm Đakinde nặng hạt hơn các tháng trong năm. Do đó, bước chân tuần rừng của các thành viên trong trạm cũng vất vả hơn. Bởi, mùa này rừng rất ẩm thấp, nhiều muỗi, vắt; đường tuần tra thì trơn trượt, người dân lén vào rừng hái măng, bẫy thú cũng nhiều và tinh vi hơn. Tuy vậy, tất cả các thành viên của trạm đều quyết tâm bám trạm, bám rừng để cây rừng thêm xanh, thú rừng được bảo vệ.

“Rừng không chỉ giữ vai trò “lá phổi xanh” cho xã hội, mà còn là nơi để nhiều bạn trẻ yêu rừng, học ngành lâm nghiệp tìm cơ hội việc làm, cống hiến. Đó chính là lý do anh em trong Trạm Kiểm lâm Đakinde dù là người gắn bó lâu năm hay mới được thuyên chuyển từ các trạm kiểm lâm khác về theo quy chế của Khu bảo tồn đều đoàn kết, trách nhiệm và yêu công việc đang làm” - ông Trương Minh Ngọc bày tỏ.

“Về mặt pháp lý, hiện các trạm có 2 lực lượng là kiểm lâm viên và bảo vệ rừng chuyên trách, nhưng trách nhiệm, sự gian khổ thì như nhau” - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Nguyễn Bá Lộc bày tỏ.

Mong giữ được màu áo truyền thống của kiểm lâm viên

Sau nhiều giờ dông dài chuyện rừng, chuyện đời sống của kiểm lâm viên ở Trạm Kiểm lâm Đakinde, trời mới chịu dứt mưa để cán bộ quản lý bảo vệ rừng Phùng Quang Đức tiếp tục cùng chúng tôi rong ruổi vào Trạm Kiểm lâm Bù Đăng, nơi các kiểm lâm viên chỉ có rừng, chim thú làm bạn và công việc vất vả vì địa hình phức tạp hơn.

Trạm Kiểm lâm Bù Đăng có 5 tiểu khu với hơn 4 ngàn hécta rừng tự nhiên. Rừng do Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quản lý tiếp giáp với những cánh rừng do Trạm Kiểm lâm Rang Rang, Trạm Kiểm lâm Đakinde và Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) quản lý. Những cánh rừng do Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quản lý dài 22km, dọc theo suối Mã Đà. Đây là khu vực phức tạp, do người dân bên tỉnh bạn thường lén lút vượt suối Mã Đà qua để hái mây, măng, lá nhíp hoặc đặt bẫy bắt các loài thú nhỏ.

“Trạm Kiểm lâm Bù Đăng chỉ có 6 người, đường sá đi lại khó khăn nên anh em phải dồn phép, ít nghỉ lặt vặt. Mỗi năm rừng thay lá, chiếc áo kiểm lâm viên cũng bạc màu vì luôn thấm đẫm mồ hôi và nước mưa trong những chuyến tuần rừng, nhưng mọi người vẫn không nản lòng, vẫn tận tụy với công việc giữ rừng mãi” - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Trần Văn Ninh bày tỏ.

Việc chuyển đổi mô hình kiểm lâm viên thành bảo vệ rừng chuyên trách đang là nỗi lo của các kiểm lâm viên Khu bảo tồn vì đi kèm với chủ trương này, bảo vệ rừng chuyên trách sẽ không được trang bị các công cụ hỗ trợ cần thiết như: súng quân dụng, công cụ hỗ trợ, sắc phục kiểm lâm, chức năng xử lý hành chính theo Luật Lâm nghiệp năm 2017… Điều này tác động rất lớn tới tâm tư của lực lượng bảo vệ rừng tại các trạm kiểm lâm của Khu bảo tồn.

Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng tuần tra khu vực ven suối Mã Đà giáp với huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước).

Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng tuần tra khu vực ven suối Mã Đà giáp với huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước).

Theo Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo, vì lý do đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình lực lượng kiểm lâm thành bảo vệ rừng chuyên trách nên Khu bảo tồn rất khó tuyển nhân sự bổ sung cho các trạm đang thiếu từ 1-2 người. Lý do người lao động còn e ngại “đầu quân” cho Khu bảo tồn là muốn được tuyển dụng vào làm kiểm lâm viên, chứ không phải bảo vệ rừng chuyên trách.

“Đây chính là điều mà bấy lâu nay Ban giám đốc Khu bảo tồn chúng tôi rất trăn trở, kiến nghị và đang chờ quyết định của các cấp, các ngành. Tuy vậy, chúng tôi mong vẫn giữ được màu áo truyền thống của kiểm lâm viên cùng các chế độ chính sách, được trang bị các công cụ cần thiết để đảm bảo an toàn trong công tác tuần rừng” - ông Nguyễn Hoàng Hảo bày tỏ.

Câu chuyện cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách và kiểm lâm viên hiện vẫn chưa ngã ngũ vì đang chờ chủ trương của Nhà nước dừng hay tiếp tục. Tuy vậy, trách nhiệm bảo vệ rừng và tình yêu rừng của những kiểm lâm viên mà chúng tôi đã tiếp xúc, trò chuyện tại các Trạm Kiểm lâm: Bù Đăng, Đakinde, Suối Kốp… suốt một ngày rong ruổi nơi cánh rừng già thì luôn hiện hữu. Vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, sự yên bình của rừng, muông thú đã được bảo vệ bởi trái tim đầy trách nhiệm, tình yêu rừng của lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng chuyên trách Khu bảo tồn.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202409/de-nhung-canh-rung-mai-xanh-a6e6de2/