Tình đất, tình người cao nguyên

BHG - Vào những năm đầu của thế kỷ 21, cơ quan Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang được phân công đỡ đầu một xã đặc biệt khó khăn là Sủng Trà (Mèo Vạc). Con đường Quyết Thắng hoàn thành từ thời còn chiến sự biên giới, chạy từ Yên Minh qua Mậu Duệ, lên thẳng Mèo Vạc, xã Sủng Trà nằm ngay cạnh con lộ, giao thông thuận tiện nhưng diện đói nghèo vẫn cao gần 70%. Nguyên nhân đói nghèo thì nhiều, các biện pháp thúc đẩy phát triển KT - XH đã được hoạch định, nhưng chưa có tính khả thi cao và bền vững. Đảng bộ tỉnh muốn tận dụng nguồn tri thức, giúp đỡ những xã đặc biệt khó khăn phấn đấu, rút ngắn lộ trình xóa đói giảm nghèo mà nghị quyết của tỉnh đã chỉ ra... Từ nghị quyết của Đảng, biến thành phong trào rộng lớn; các cơ quan cấp tỉnh đều đỡ đầu một xã. Qua thời gian các xã đã biết cách làm ăn mới, đời sống khá dần lên...

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại hẻm Tu Sản. Ảnh: Phan Thoa

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại hẻm Tu Sản. Ảnh: Phan Thoa

Cơ quan Hội Văn học nghệ thuật chúng tôi đã vận động toàn thể cán bộ đóng góp vật chất cũng như tinh thần ủng hộ bà con nghèo, từ quần áo ấm, sách vở cho học sinh nhân ngày khai trường, quà cho gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách trong những dịp lễ, Tết... Từ đó tạo được tình cảm thắm thiết sâu nặng với cơ sở. Trong những lần quyên góp ủng hộ, có việc làm ý nghĩa hơn là chúng tôi đã tặng hai nếp nhà tương đối hoàn chỉnh cho 2 gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc thôn Lò Lử Phìn. Gia đình thứ nhất là chị Lầu Thị Say, dân tộc Mông, 32 tuổi, chồng mất sớm, không có sức lao động, hằng năm đói ăn đến hơn 6 tháng. Những tháng giáp hạt chủ yếu trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Hôm khánh thành nhà mới, chúng tôi đến chúc mừng chị. Ngôi nhà 3 gian khung gỗ, mái lợp phi brô xi măng khá đẹp. Khi tôi đến mọi người trong bản đang xúm lại giúp gia đình chị hoàn thiện nốt phần nền nhà, đắp bếp lò và thưng vách, chúng tôi tặng thêm cho chị chiếc chăn ấm và đôi chiếu cói, chị rưng rưng nghẹn ngào nói bằng tiếng Mông chúng tôi không hiểu. Anh Ly Súa Giàng, trưởng thôn đứng gần đó nói lại: Chị ấy nói là không biết lấy gì để cảm ơn cán bộ, đến nằm trong mơ chị cũng không nghĩ là mình lại được ở trong ngôi nhà đẹp như thế này, cuộc đời của chị như vậy là mãn nguyện lắm rồi.

Đến thăm gia đình thứ hai được chúng tôi hỗ trợ làm nhà là gia đình chị Ly Thị Dính. Nhìn bề ngoài ngôi nhà cũng bề thế không kém gì nhà chị Say. Nhà chị Dính khánh thành tuần trước. Căn nhà vắng lặng, anh Ly Súa Giàng gọi mấy câu rồi đẩy cửa bước vào, nhưng trong nhà không có ai. Anh Giàng giục: Chúng ta đi thôi, chắc chị Dính lên nương tối mới về.

Sau đó ít lâu, chúng tôi trở lại Sủng Trà và tặng một số cặp dê giống cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó hằng năm chúng tôi có những chuyến đi, về, chứng kiến sự chuyển động trong phát triển KT - XH của xã, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ những khó khăn mới nảy sinh... Sau mỗi chuyến đi là một lần thao thức suy nghĩ: Bài toán xóa đói giảm nghèo dù có bạc tóc từng đêm vẫn chưa có lời giải tối ưu..

Đối với tỉnh Hà Giang, bàn chân tôi đã đến nhiều nơi, nhất là vùng cao núi đá, những nơi xa xăm, gian khổ nhất, như: Trà Mần, Tà Lủng, Mốc số 0 (Sơn Vĩ); Pà Vầy Sủ (Xín Mần): Cái đuôi con cáo khổng lồ do địa hình Hà Giang tạo nên, hoặc Séo Lủng (Lũng Cú). Nơi đầu nguồn dòng sông Nho Quế chảy vào đất Việt. Hình ảnh đói nghèo luôn ám ảnh, day dứt trong tôi... Nếu cứ nhìn ở trung tâm huyện lỵ, khu kinh tế trọng điểm, hay các cụm dân cư tập trung, thì rõ ràng là chưa phản ánh được bức tranh toàn cảnh nền kinh tế xã hội của vùng đất, mà phải đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới mới thấy hết nỗi gian lao nhọc nhằn mà đồng bào ta đang từng ngày phải đối mặt, vật lộn... Đường biên giới của Hà Giang với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây nước bạn Trung Quốc dài 277,556 km, tôi ví đồng bào của chúng ta là những chiến sỹ kiên trung là cây Sa Mộc chắn nơi đầu nguồn gió bấc để Tổ quốc bình yên và phát triển...

Vâng, vùng đất ấy đối với tôi đã có quá nhiều kỷ niệm. Sau tái lập tỉnh từ năm 1991 đến nay, quê hương Hà Giang đã có bước tiến rất dài... Từng đảng viên, cán bộ lo toan cùng dân. Mặc dù còn có những khiếm khuyết, cũng là dấu ấn một thời nóng vội, điều đó đã được khắc phục, trở thành bài học xương máu... có điều tôi tin Hà Giang trong tương lai sẽ là vùng đất rất đặc biệt với nhiều khao khát xúc động khi đi trên con đường Hạnh Phúc, xuyên qua cao nguyên chập chùng núi đá, đứng trên đỉnh núi Rồng, qua Mã Pì Lèng ngắm nhìn dòng Nho Quế về xuôi, đến chợ Khau Vai để sống lại những cuộc tình bất diệt… Đặc biệt khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNETSCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng biến đá thành nguồn thu nhập chính của người dân vùng cao và xem đầu tư cho du lịch là ưu tiên số một, trong chiến lược phát triển KT - XH của địa phương…

Thiên nhiên ban tặng bao cảnh đẹp, con người thuần hậu chất phác... Với Hà Giang như vậy vẫn chưa đủ. Quan trọng hơn, chất lượng sống của cộng đồng 19 dân tộc anh em được cải thiện, Hà Giang sớm thoát ra khỏi một tỉnh đặc biệt khó khăn thì bức tranh toàn cảnh về miền địa đầu Tổ quốc mới thực sự trọn vẹn.

Bút ký: Cao Xuân Thái

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202409/tinh-dat-tinh-nguoi-cao-nguyen-03a0b7e/