Để những tuyến đường thông suốt trong mùa mưa bão

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa mưa lũ năm 2024 được dự báo diễn biến phức tạp, tiềm ẩn các yếu tố cực đoan. Với phương châm 'Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả', ngay từ đầu năm, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch; lên phương án sẵn sàng ứng phó và kịp thời khắc phục sự cố, nhất là các tuyến đường huyết mạch. Qua đó bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Đơn vị chức năng khơi thông cống rãnh thoát nước trên tuyến Quốc lộ 1B.

Đơn vị chức năng khơi thông cống rãnh thoát nước trên tuyến Quốc lộ 1B.

Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh có khoảng 4.822km, bao gồm 8 tuyến Quốc lộ; 21 tuyến đường tỉnh, các tuyến đường đô thị, đường huyện; đường xã và trên 6.600 km đường dân sinh cấp thấp khác. Với địa hình đa dạng từ đồi núi trung du đến đồng bằng, giao thông Thái Nguyên có nhiều nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai như: lũ quét, ngập úng, sạt lở…

Để quản lý hạ tầng các quốc lộ được ủy thác và đường tỉnh, hiện nay, Sở GTVT đang hợp đồng với 3 đơn vị gồm: Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên; Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình giao thông Bắc Nam; Công ty TNHH Một thành viên Tân Khánh. Mới đây, trong 2 ngày 23 và 24-7, Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị vật tư ứng phó thiên tai trên đường bộ của 3 đơn vị này. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch ứng phó và chuẩn bị vật tư, thiết bị và nhân lực, sẵn sàng huy động để ứng phó sự cố thiên tai.

Đối với Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên, đơn vị hiện có 5 hạt quản lý đường bộ trải rộng khắp địa bàn tỉnh với hệ thống máy xúc, máy san, ô tô con, ô tô tải và công nhân luôn sẵn sàng ứng trực tại các tuyến quốc lộ, đường tỉnh do hạt quản lý đường bộ được giao quản lý. Bên cạnh đó, tại nhà kho, Công ty luôn dự trữ đủ vật tư như: dầm Beillay; rọ thép; mặt cầu thép ống chống trơn; bộ biển báo, cọc tiêu đa năng; hợp đồng nguyên tắc cung cấp đá xếp rọ và đá phục vụ thi công cấp bách khác khi có sự cố xảy ra.

Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình giao thông Bắc Nam là đơn vị bảo dưỡng thường xuyên tuyến Quốc lộ 3C. Đơn vị đã xây dựng phương án và kịch bản ứng phó với sự cố thiên tai từ Km0 - Km35 trên tuyến Quốc lộ 3C; chủ động bố trí máy xúc, xe tải, rọ đá, cọc tre, bao tải với số lượng lớn, sẵn sàng huy động khi sự cố xảy ra.

Công ty TNHH một thành viên Tân Khánh, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên 94,8km đường tỉnh, cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, sẵn sàng huy động 4 máy xúc, 8 ô tô tải, 2 máy ủi, 2 máy san, hành trăm mét rọ đá, cọc tiêu, biển báo khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị sẵn các biển báo để đặt tại những ngầm tràn, cảnh báo người dân khi nước lũ dâng cao.

Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị sẵn các biển báo để đặt tại những ngầm tràn, cảnh báo người dân khi nước lũ dâng cao.

Các đơn vị quản lý cầu, đường bộ đã rà soát vật tư dự phòng, sẵn sàng sử dụng ứng cứu, đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố sụt trượt, ách tắc trên các tuyến đường bộ được giao quản lý. Đồng thời kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, các đoạn tuyến nền đường thấp trũng thường xuyên ngập úng; thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm rào chắn kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại khi xảy ra sự cố, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng đảm bảo an toàn giao thông. Khi ách tắc xảy ra kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đồng thời tổ chức triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo thông xe trong thời gian nhanh nhất.

Bên cạnh sự chủ động của các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, Sở GTVT Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương bố trí, huy động nhân lực, thiết bị, vật tư tại chỗ kịp thời ứng phó thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, hậu cần tại chỗ; thiết bị tại chỗ).

Sở và các đơn vị trong Ngành luôn trực sẵn sàng chỉ huy ứng cứu, khắc phục thiệt hại trong mọi tình huống với thời gian ngắn nhất, bảo đảm giao thông thông suốt. Cùng với đó là rà soát, xác định rõ những vị trí thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở trên tất cả các tuyến đường để chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng, chống, phương án khắc phục các vị trí xung yếu trên các tuyến đường. Trong đó đặc biệt chú ý các tuyến đường có nhiều đèo dốc nguy hiểm, nằm trong vùng thấp và đầu mối giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao như: ĐT.270; Quốc lộ 37 đoạn qua Núi Pháo; Quốc lộ 3C đoạn qua đèo So…

Chu Hồng Đông

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202407/de-nhung-tuyen-duongthong-suot-trong-mua-mua-bao-01c0f1d/