Để nơi ở mới tốt hơn nơi cũ

TĐC để... an cư, lạc nghiệp. Khó khăn, thuận lợi trong công tác TĐC là nội dung trao đổi giữa phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần với các ông: Hà Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa; Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn; Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh).

An toàn cho người dân là số 1

PV: Huyện miền núi Quan Hóa với địa hình phức tạp, nhiều núi cao, khe suối, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét rất lớn. Công tác di dân đã được huyện triển khai, thực hiện như thế nào, thưa ông?

PV: Huyện miền núi Quan Hóa với địa hình phức tạp, nhiều núi cao, khe suối, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét rất lớn. Công tác di dân đã được huyện triển khai, thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Hà Văn Thủy:

Hiện nay trên địa bàn huyện cơ bản đã xây dựng, hoàn thành xong 5 khu TĐC. Tuy nhiên việc di dân ban đầu hết sức khó khăn. Vì người dân quen nếp sống trên sườn đồi, canh tác trong rừng trong khi đó nguồn lực kinh tế bà con cũng hạn hẹp. Nếu không quyết liệt trong tuyên truyền, vận động thì khó thành công.

Liên quan đến TĐC, trên địa bàn huyện, hiện đang có nhiều hộ dân cư có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đối với các hộ dân thuộc đề án sắp xếp, ổn định dân cư của tỉnh, huyện sẽ đưa vào các khu TĐC xen ghép và tập trung. Còn các hộ dân ảnh hưởng thiên tai phải tự di dời, huyện sẽ xây dựng kế hoạch cùng UBND các xã tìm quỹ đất để các hộ di dời đến nơi ở mới an toàn.

Trong công tác TĐC, một trong những khó khăn lớn nhất là tổ chức sản xuất cho người dân. Nếu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở không vào cuộc quy hoạch rõ ràng, cụ thể thì rất khó tạo công ăn việc làm cho người dân. Không nâng cao thu nhập cho người dân nơi ở mới sẽ trở thành rào cản rất lớn. Vấn đề này đặt ra cho huyện bài toán về đất sản xuất. Trong khi đó, ở Quan Hóa đất rừng là chủ yếu, đất sản xuất ít. Chính vì thế, cần thiết phải quy hoạch, phân chia, bố trí rõ ràng, cụ thể.

Từ nay đến hết năm 2025, huyện sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tất cả những tồn tại, hạn chế, khó khăn đang vướng mắc, trong đó phải lấy an toàn cho người dân là số 1; bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ và người dân có điều kiện để phát triển kinh tế.

Cần khảo sát vị trí đầu tư xây dựng các khu TĐC phù hợp

PV: Chủ trương xây dựng các dự án TĐC phục vụ cho người dân có chỗ ở ổn định sau khi bị giải tỏa, di dời đã được thị xã quan tâm như thế nào, thưa ông?

PV: Chủ trương xây dựng các dự án TĐC phục vụ cho người dân có chỗ ở ổn định sau khi bị giải tỏa, di dời đã được thị xã quan tâm như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Nhiệm:

Trong những năm qua, UBND thị xã Nghi Sơn phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) với diện tích lớn, nhiều dự án trọng điểm. Cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2024 là 172.728ha/321 dự án (ngoài ra có khoảng 30 dự án đầu tư công). Do đó, số hộ cần bố trí TĐC hàng năm là rất lớn.

Đến tháng 7/2024, thị xã Nghi Sơn đã thực hiện giao đất TĐC cho 320 hộ dân tại một số dự án trọng điểm như: Dự án đường dây 500KV đấu nối nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện quốc gia; Dự án đường từ QL1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn tại Hải Thượng...

Hiện tại, trên địa bàn thị xã đã xây dựng, hoàn thành 16 khu TĐC.

PV: Chia sẻ của ông về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và bố trí TĐC cho các hộ dân?

Ông Phạm Văn Nhiệm:

Khó khăn thì rất nhiều. Khó khăn trong công tác bố trí nguồn vốn, khó khăn trong quy hoạch, về giá đất ở TĐC... Ví dụ công tác GPMB, đây là một nhiệm vụ khó. Hiện nay trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, do hạn chế về nguồn ngân sách nên dẫn đến tiến độ GPMB chung của các dự án còn chậm so với yêu cầu. Về quy hoạch, thị xã Nghi Sơn được phê duyệt 55 phân khu và phân rõ các loại đất. Việc đầu tư xây dựng các khu TĐC đáp ứng được quy hoạch lại không tạo được sự đồng thuận của người dân...

Để việc đầu tư xây dựng các khu TĐC đáp ứng được quỹ đất giao đất TĐC, tránh việc đầu tư thiếu diện tích để bố trí TĐC cho các hộ hoặc dư thừa diện tích, tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần và đặc biệt lựa chọn vị trí để đầu tư xây dựng các khu TĐC đáp ứng trong việc xây dựng đơn giá tại khu TĐC phù hợp, cần khảo sát vị trí đầu tư xây dựng các khu TĐC phù hợp với vị trí nơi đi. Đồng thời lập quy hoạch vừa đồng bộ nhưng phải đáp ứng trong một khu TĐC có từ 3 - 5 mức giá. Tổ chức xác định nguồn gốc đất để xác định chính xác nhất số hộ đủ điều kiện TĐC, diện tích giao đất TĐC cho mỗi hộ, nhu cầu về TĐC của các hộ.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thiện hạ tầng các dự án

PV: Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025, đến thời điểm này, được biết, kết quả thực hiện có nhiều khả quan, thưa ông!

PV: Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025, đến thời điểm này, được biết, kết quả thực hiện có nhiều khả quan, thưa ông!

Ông Lê Bá Lương:

Việc chăm lo đến công tác sắp xếp dân cư vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Việc bố trí TĐC cho người dân là thực sự cần thiết và cấp thiết.

Đề án sắp xếp dân cư vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, với mục tiêu đến năm 2025, thực hiện sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân. Trọng tâm của đề án là trong thời gian ngắn nhất bố trí đủ nguồn lực, quỹ đất để thực hiện TĐC hướng đến ổn định, cải thiện đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra...

Giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn các huyện miền núi đã thực hiện tuyên truyền, vận động được 131 hộ dân di chuyển theo hình thức TĐC xen ghép. Có 4 khu TĐC tập trung được đầu tư theo hình thức khẩn cấp năm 2021, 2022 để sắp xếp ổn định cho 151 hộ dân, với tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo đề án là 45.300 triệu đồng. Đến nay, cả 4 khu đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới. Có 17 khu TĐC để sắp xếp ổn định cho 556 hộ dân, với tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo đề án là 130.350 triệu đồng, đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

PV: Và khó khăn, chắc chắn cũng không ít khi thực hiện đề án này?

Ông Lê Bá Lương:

Có một số vấn đề đặt ra. Thứ nhất, về bố trí TĐC xen ghép, đa số các hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai là các hộ nghèo, cận nghèo nên việc tự tìm kiếm quỹ đất để thực hiện di chuyển còn khó khăn, đến nay việc bố trí TĐC xen ghép trên địa bàn các huyện đạt tỷ lệ thấp (11,7%).

Thứ hai, về thực hiện các dự án TĐC tập trung, liền kề. Để đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình theo chủ trương được duyệt thì vượt tổng mức đầu tư, ngược lại nếu đầu tư theo tổng mức được duyệt thì không đảm bảo quy mô theo chủ trương đầu tư. Hiện nay, UBND các huyện đang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Sở Xây dựng thẩm định.

Thứ ba, về kinh phí hỗ trợ. Thực tế, đến nay đã sắp xếp, ổn định cho 282 hộ. Tuy nhiên, mới có 234 hộ được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh theo Kết luận số 590-KL/TU (mỗi hộ từ 40 đến 75 triệu đồng); tất cả các hộ nêu trên đều chưa nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ từ MTTQ. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cùng tham gia vào chương trình sắp xếp, ổn định dân cư đã được một số địa phương thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, chủ yếu trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.

Thời gian tiếp theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các dự án sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn các huyện thuộc đề án. Đối với UBND các huyện miền núi, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân ở khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai để sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân trong mùa mưa bão. Đối với các hộ dân thực hiện sắp xếp ổn định theo hình thức xen ghép chưa tìm được vị trí để di chuyển, các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát lại quỹ đất để có phương án bố trí, sắp xếp cho các hộ dân. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thiện hạ tầng các dự án sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Việt Hoàng (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/de-noi-o-moi-tot-hon-noi-cu-31959.htm