Để nông dân, HTX tối ưu sản xuất, không bị bật ra khỏi 'đường đua'

Tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu từng thị trường thông qua tinh thần 'hợp tác' là cách mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan gợi mở nhằm giúp nông dân, HTX thích ứng với xu hướng toàn cầu hóa, nhất là sự biến động của thị trường và biến đổi khí hậu.

Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 với chủ đề: “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe nông dân nói” diễn ra sáng 14/10, ông Hứa Đại Dương, Giám đốc HTX Định Yên (Quảng Nam), cho biết thị trường hiện nay liên tục xuất hiện những xu hướng mới lạ, công nghệ thì ngày càng hiện đại.

Tìm cách thích ứng thị trường

“Thế nhưng ngay cả cách ứng dụng công nghệ cũng không hề đơn giản với HTX vì người dân cảm thấy bị lạc giữa biển thông tin”, ông Dương chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, thành viên HTX Bình Minh (Bắc Giang), cho rằng dù xác định phải chăn nuôi lợn theo chuỗi nhưng HTX vẫn gặp nhiều khó khăn bởi bão giá, dịch bệnh, thiên tai.

Năm 2017, bão giá xảy ra, giá lợn hơi chỉ có 17.000-18.000 đồng/kg khiến thành viên HTX, nông dân thua lỗ nặng nề. Năm 2021, dịch Covid-19 khiến chăn nuôi, tiêu thụ thực phẩm từ thịt lợn đình trệ cũng khiến HTX gặp nhiều khó khăn. Hiện, dù giá lợn cơ bản đã ổn định nhưng nhiều vấn đề như dịch bệnh, nguyên liệu đầu vào, bão lũ vẫn luôn rình rập.

Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Bình Minh (Đắk Nông) nêu thực trạng, người nông dân đang thiếu thông tin thị trường nên không có cơ chế bán hàng phù hợp, từ đó dẫn tới bị thu thiệt thậm chí rơi vào hoảng loạn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng muốn hóa giải câu chuyện nông dân, HTX, doanh nghiệp không gặp được nhau chỉ có con đường liên kết hợp tác.

Nếu có kho trữ hàng và nắm được thông tin thị trường, người dân sẽ thu được lãi cao. Cụ thể là tháng 2/2023, giá cà phê chỉ 50.000 - 51.000 đồng/kg, nhưng đến tháng 4/2023, cà phê đã vọt lên 134.000 - 134.200 đồng/kg. Với hồ tiêu, cũng vậy, nông sản này chỉ có giá khoảng 70.000 đồng/kg vào tháng 6/2023 nhưng đã tăng lên mức 180.000 đồng/kg vào tháng 6/2024.

Có thể thấy, thiếu thông tin thị trường đi liền với những biến động vĩ mô khiến không ít nông dân, thành viên HTX nhiều khi rơi vào thế bị động. Nhận thức rõ khó khăn khi bị tác động bởi sự thay đổi liên tục của thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định việc dự báo thông tin thị trường là hết sức quan trọng.

Chẳng hạn như tôm hùm bông hiện nay phía Trung Quốc đã không nhập vì nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2 nên cơ quan quản lý và chính quyền địa phương khi nhận được thông tin từ thị trường này phải báo ngay cho nông dân HTX mới tránh xảy ra vấn đề nuôi ra nhưng không có chỗ bán.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, yếu tố cốt lõi của bài toán thị trường hiện nay là HTX phải bán đúng cái thị trường cần. Lấy dẫn chứng về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng nếu con cá lóc chỉ bán tươi thì giá trị thu về sẽ không thể bằng cách ứng dụng công nghệ để chế biến, phân thịt của cá ra từng loại để bán, và khi đó, giá thịt cá lóc chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với thịt cá thông thường.

Hay với quả cà rốt, có thị trường thích mua cà rốt kích thước lớn nhưng có thị trường lại thích mua cà rốt kích thước nhỏ. Dó đó, tùy từng thị trường mà các HTX cần có những sản phẩm phù hợp để bán. Chỉ có chia nhỏ nông sản, hoặc phân chia nông sản ra nhiều cấp độ khác nhau bằng việc áp dụng khoa học công nghệ mới giúp HTX hạn chế được những biến động của thị trường. Bởi sản phẩm thô có thể chỉ phù hợp với thị trường trong nước, khó bảo quản và dễ bị tác động bởi thiên tai, bão lũ. Còn thị trường quốc tế lại yêu cầu những sản phẩm cao cấp, tinh tế hơn, đa dạng hơn.

Nhưng để làm được điều này, nông dân, HTX cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ hay nói cách khách là cần đẩy mạnh tri thức hóa nông dân.

Người dân, thành viên HTX cần chủ động nâng cao khả năng, tri thức của mình theo từng ngày sẽ nâng được giá trị sản xuất. Trí tuệ nhân tạo, AI đã phát triển rất mạnh mẽ nên nếu nông dân không biết những điều này là một thiếu sót to lớn vì khiến họ không thể thích ứng với sự thay đổi của thị trường, khí hậu.

“Thị trường có cánh cửa này mở ra nhưng cũng sẽ có cánh cửa khác đóng lại nên nông dân, HTX phải thay đổi, đổi mới để không bị bật ra khỏi đường đua. Tất nhiên, ngoài nâng cao giá trị cho nông sản thì sản xuất trên quy mô lớn một cách thuận lợi cũng khiến thị trường sẽ tự tìm đến nông dân, HTX”, người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Lan tỏa tinh thần 'hợp tác'

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Công ty chế biến Nông sản ở Hải Dương, cho rằng muốn HTX, doanh nghiệp lớn mạnh phải thực hiện chế biến sâu để nâng cao giá trị. Đây cũng là cách tốt nhất để hạn chế bị động trước sự thay đổi của thị trường.

Bài toán liên kết giữa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ được giải quyết sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.

Bài toán liên kết giữa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ được giải quyết sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề hiện nay của doanh nghiệp này là vẫn còn băn khoăn về khâu liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp làm sao cho hiệu quả nhằm phát triển chuỗi, thúc đẩy được chế biến sâu.

Sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng đó là do tinh thần “hợp tác” của các nhân tố trong chuỗi chưa cao.

Ngay như trong cụm từ “Hợp tác xã”, Bộ trưởng cho rằng nếu che đi chữ “xã” thì vẫn còn chữ “hợp tác” đứng đầu. Điều này có nghĩa, muốn làm ăn hiệu quả, buộc người dân phải hợp tác với nhau. Vậy nhưng, người Việt đang rất thiếu tinh thần hợp tác nên mới xảy ra tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, mỗi hộ dưới 0,5ha. Do sản xuất nhỏ lẻ nên khó tìm kiếm thị trường và không thể ứng dụng được công nghệ và cũng khó liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn.

“Những cánh đồng trồng cao lương, lúa mì ở nước ngoài dài hút mắt. Nhưng từ cửa sổ máy bay nhìn xuống, các cánh đồng Việt bị ngăn cản, chia vá bởi các bờ thửa”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn chứng và cho rằng vấn đề sản xuất nhỏ lẻ cần được tháo gỡ bằng cách lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “hợp tác” vì 1 người không thể làm ra được sản phẩm cung ứng đủ cho thị trường. Và sản xuất nhỏ lẻ thì không thể liên kết được với doanh nghiệp và càng đẩy chi phí tăng cao.

Do đó, nông dân, HTX không thay đổi, không “hợp tác” thì nông nghiệp không thể thay đổi, nông nghiệp không thay đổi tức là nông nghiệp mãi mỏng manh, nhỏ lẻ và không thể đứng vững được trước thiên tai, sự thay đổi của thị trường.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/de-nong-dan-htx-toi-uu-san-xuat-khong-bi-bat-ra-khoi-duong-dua-1103010.html