Để nông nghiệp hữu cơ phát triển ở Đắk Lắk
Nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, các địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, tuy nhiên còn chưa tương xứng với kỳ vọng.
Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ trên đà phát triển
Đến thăm vườn cà phê của gia đình anh Lê Văn Vương tại xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chúng tôi khá bất ngờ, bởi khoảng đất rộng 1,4ha trồng toàn cây cà phê đã già mà vẫn rất tươi tốt. Chia sẻ kinh nghiệm, anh Vương cho biết: “Năm 2017, để tìm hướng đi mới, tôi đã quyết định chuyển đổi vườn cà phê của gia đình từ quy trình sản xuất vô cơ sang hữu cơ. Theo đó, tôi trồng các rặng cây bao quanh vườn, ngăn cách với vườn cà phê khác nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Cỏ dại được để mọc tự nhiên nhằm tạo độ xốp cho đất, mùa mưa cỏ mọc cao mới phạt phân nửa. Tôi sử dụng 100% phân bón hữu cơ cùng chế phẩm sinh học loại trừ vi khuẩn gây bệnh cho cây. Tuy những cây cà phê của vườn đã già, hầu hết 26-28 năm tuổi, nhưng nhờ quy trình chăm sóc hữu cơ hoàn toàn mà năng suất và chất lượng vẫn tương đương trước kia”.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công được anh Vương thành lập năm 2015 đang liên kết cùng một số hộ dân mạnh dạn thay đổi phương pháp canh tác từ vô cơ sang hữu cơ. Công ty hỗ trợ người dân từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, sơ chế cà phê hữu cơ. Khi cà phê đạt tiêu chuẩn được bao tiêu với giá cao hơn cà phê canh tác truyền thống khoảng 30%. Giá cà phê thành phẩm mà Công ty kinh doanh cũng có khác biệt lớn: 180.000 đồng/kg đối với cà phê bột loại đặc biệt (quy trình sản xuất truyền thống) và 700.000 đồng/kg đối với cà phê hữu cơ. Các sản phẩm đều được thị trường đón nhận và được cấp Giấy chứng nhận hữu cơ của VIETCERT (Trung tâm Giám định và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy), Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, Chứng nhận ISO 22000:2018 và Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2021. Hiện nay, Công ty đang liên kết với 13 hộ dân và 2 hợp tác xã với tổng diện tích 65ha để phát triển cà phê hữu cơ.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện cũng có 1 cơ sở chăn nuôi hữu cơ tổng hợp lợn, bò, gia cầm đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế của 3 tổ chức: Ogarnic EU (châu Âu), USDA-NOP (Mỹ), Organic JAS (Nhật Bản), là trang trại hữu cơ hỗn hợp chuẩn quốc tế Nhất Thống Đắk Lắk tại xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ). Trang trại hiện có sản lượng khoảng 2.000 con lợn/năm, 100 con bò/năm, gà trứng 3.000 con/năm. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 42 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh và 2 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGap. Đây là tiền đề để tỉnh đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ đang trên đà phát triển, hứa hẹn giúp người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp có nguồn thu ổn định, góp phần bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng cũng như an toàn với môi trường.
Tăng cường nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 655.000ha. Đây cũng là địa phương có lượng phụ phế phẩm nông nghiệp như: Vỏ cà phê, rơm, rạ, thân, lá cây ngô..., chất thải từ chăn nuôi dồi dào, là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất các loại phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh mới có hơn 300ha diện tích đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây là một con số còn rất khiêm tốn khi Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm/ha đất hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Lý giải về những điểm nghẽn khiến nông nghiệp hữu cơ của tỉnh còn chưa phát triển mạnh, đồng chí Đoàn Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) nêu vấn đề, những năm qua, phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống của tỉnh là sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học để tăng năng suất, phòng trừ sâu bệnh khiến môi trường đất, nước bị thoái hóa, ô nhiễm, do đó cần thời gian, kinh phí, công nghệ để cải tạo, phục hồi. Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất và chế độ giám sát chặt chẽ nên sẽ tạo ra chi phí đầu vào và giá bán cao, khó tiếp cận với đa số người tiêu dùng, dẫn đến nguy cơ thua lỗ nên người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư. Trong khi đó, để đi vào các thị trường đã chấp nhận sản phẩm hữu cơ nhưng khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản... thì phải đầu tư quy mô lớn, do đó hầu hết chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp liên doanh liên kết có nguồn lực lớn mới có thể triển khai...
Có thể nói, vấn đề nguồn vốn chính là “nút thắt” lớn đối với nông nghiệp hữu cơ. Ông Trần Quốc Oai, Phó giám đốc Công ty VinaXanh, một đơn vị cung ứng phân bón hữu cơ trên địa bàn Tây Nguyên, cho biết: “Tôi lấy ví dụ, chi phí trung bình khi sử dụng phân vô cơ trên 1ha cà phê là 45-47 triệu đồng/năm, đối với phân hữu cơ là 25-27 triệu đồng/năm. Tuy chênh lệch khá lớn nhưng nhiều chủ vườn lại không mặn mà chuyển đổi bởi đã quen với việc các đại lý phân bón vô cơ đứng chân trên địa bàn lâu năm cho mua “chịu”, đến cuối mùa mới phải thanh toán. Còn các cơ sở kinh doanh phân bón hữu cơ trên địa bàn số lượng còn ít, lượng cung ứng cho thị trường chưa ổn định nên không thể bán “chịu”.
Theo đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ xác định rõ chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học để nâng cao nhận thức về hiệu quả kinh tế, lợi ích môi trường của nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và phát triển thị trường, hệ thống phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: Cà phê, sầu riêng, ca cao, rau, củ... Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chương trình, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là về vốn khi triển khai nông nghiệp hữu cơ để tận dụng tốt nhất dư địa nông nghiệp dồi dào của tỉnh Đắk Lắk.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-nong-nghiep-huu-co-phat-trien-o-dak-lak-726875