Để nông nghiệp Lào Cai 'đi sau, về trước'

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời tiết, giá vật tư tăng mạnh, nhưng ngành nông nghiệp Lào Cai vẫn đạt nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2022.

Nói về những nỗ lực vượt khó của ngành nông nghiệp trong năm 2022, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc của ngành nông nghiệp và các cấp, các ngành liên quan, nông dân các địa phương đã nỗ lực vượt khó, sản xuất thu được nhiều kết quả.

Trồng rau hữu cơ ở xã Y Tý, huyện Bát Xát.

Trồng rau hữu cơ ở xã Y Tý, huyện Bát Xát.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân đạt trên 5,3%. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 90 triệu đồng, tăng 5,9% so với năm 2021. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 338.606 tấn; sản lượng thịt hơi đạt 67.300 tấn; sản lượng thủy sản đạt 11.805 tấn… Toàn bộ diện tích rừng được quản lý chặt chẽ, diện tích rừng trồng năm 2022 đạt 7.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,7%.

Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục nhận được sự quan tâm và huy động được sức mạnh của cả cộng đồng. Toàn tỉnh có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới và 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Các hình thức tổ chức kinh tế tập thể được đẩy mạnh (273 hợp tác xã nông nghiệp, 121 tổ hợp tác, 144 trang trại).

Liên kết sản xuất được mở rộng, quy mô liên kết đạt hơn 18.000 ha với 20.000 hộ tham gia, tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng, triển khai hiệu quả thông qua xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chính của ngành. Đến nay, có 93 doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia với 303 dòng nông sản an toàn được cấp mã QR-Code; 119 doanh nghiệp/hợp tác xã/cơ sở tham gia giới thiệu quảng bá các sản phẩm trên hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại với 194 dòng sản phẩm tham gia. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được quan tâm, đã công nhận 142 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tạo sự đột phá trong tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển “kinh tế nông nghiệp”. Các ngành hàng chủ lực theo nghị quyết đều có sự phát triển rõ nét.

Nông sản Lào Cai đã có mặt rộng khắp trên thị trường thông qua chuỗi cửa hàng bán lẻ Winmart, sàn giao dịch Postmart, Voso… giúp các sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn 15% - 20% so với giai đoạn trước, nhất là những ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Là tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm về sản xuất nông nghiệp của Lào Cai thấp, “đi sau” so với nhiều địa phương khác. Vì vậy, Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định tỉnh Lào Cai cần có tư duy và hướng đi phù hợp để có thể vượt lên, “về trước” ở một số ngành hàng với định hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 4.200 ha sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, gồm: 3.503 ha quế tại huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, Văn Bàn; 696,6 ha chè tại huyện Bắc Hà. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ thu hút 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã đầu tư liên kết tiêu thụ, với khoảng 2.500 hộ nông dân tham gia. Ngoài ra, có một số mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như mô hình sản xuất rau của Công ty TNHH Thương mại Hoa Lợi tại xã Y Tý (huyện Bát Xát), với 5 ha, hằng năm cung cấp 150 tấn rau sạch cho thị trường; Dự án sản xuất chè hữu cơ của Công ty Cổ phần chè Cao Sơn tại xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) với 30 ha, sản lượng 80 tấn/năm…

Thu hoạch quế hữu cơ tại xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà.

Thu hoạch quế hữu cơ tại xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà.

Ông Đỗ Văn Duy khẳng định: Năm 2023 là năm quan trọng, quyết định thắng lợi của cả giai đoạn nên ngành nông nghiệp chủ động tham mưu, triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lồng ghép nguồn lực thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương nâng cao chất lượng, mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ (chè, quế, cây ăn quả, rau) nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các cấp, các ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực; tập huấn chuyển giao kỹ thuật về các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Ngành cũng tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tăng cường thông tin, tuyên truyền về vai trò, lợi ích của sản phẩm hữu cơ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại giao dịch điện tử, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại… hướng tới thị trường xuất khẩu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363474-de-nong-nghiep-lao-cai-di-sau-ve-truoc