Để nông sản Bình Thuận tiếp cận thị trường mới

Khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, như mở thêm cánh cửa, cơ hội cho nông sản sạch Bình Thuận có mặt ở thị trường thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc, những nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp cần có cái bắt tay mạnh mẽ hơn để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Để nông sản Bình Thuận tiếp cận

Dưa lưới của Eden Farm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Dưa lưới của Eden Farm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Sản xuất xanh – sạch

Không phải là mô hình trồng dưa lưới đầu tiên tại Bình Thuận, nhưng Công ty Nông trang Eden (Eden Farm) được xem là nơi đầu tiên của tỉnh sản xuất ra dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nằm ở xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc) với 4 nhà màng, hệ thống cảm biến nhiệt tự động, hệ thống quạt đối lưu cùng 2 hồ tích trữ nước, hệ thống tưới tiêu công nghệ của Israel… những trái dưa lưới đạt tiêu chuẩn của công ty đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước như: Big C, Co.op Mart, Lotte Mart… và xuất sang thị trường một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan.

Cùng với dưa lưới, thủ phủ của rồng xanh cũng tìm các giải pháp để trái thanh long đạt tiêu chuẩn xanh – sạch. Để nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng thị trường, nhiều HTX trong tỉnh đã từng bước ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để con đường xuất khẩu sang các thị trường khó tính dễ dàng hơn. Nhiều HTX cho biết, người trồng thanh long luôn đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá - được giá mất mùa”. Đó là do thanh long Bình Thuận chủ yếu bán qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Vì vậy, ngoài việc sản xuất sản phẩm sạch theo chuẩn GlobalGAP, các HTX đang tìm đến các công ty xuất khẩu nông sản có tiềm lực về tài chính để liên kết bao tiêu sản phẩm cho xã viên. “Do đó, người nông dân nên ký kết hợp đồng với một số doanh nghiệp thu mua hàng năm với giá ổn định, không nên mua bán theo thời vụ. Hiện nay, tùy từng thị trường xuất khẩu sẽ có hàng rào kỹ thuật khác nhau, vì vậy Bình Thuận cần có những vùng sản xuất chuyên canh trái thanh long để việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thuận lợi, dễ dàng hơn. Và để mối liên kết giữa nông dân – HTX – doanh nghiệp thắt chặt hơn, tránh tình trạng giải cứu nông sản thì nông dân không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt, phá vỡ hợp đồng thương mại. Có như vậy, mối liên kết này sẽ không bị đứt gãy”, ông Đặng Tuấn Phát – Giám đốc Công ty TNHH Full Grade International (TP.HCM) chia sẻ.

Tăng tính liên kết 3 nhà

Để nâng cao chuỗi giá trị cũng như tìm kiếm thị trường cho trái thanh long, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức để tìm giải pháp “gỡ khó” cho loại trái cây này. Theo đó, tỉnh đã tập trung các nguồn lực nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp, người trồng thanh long tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19. Ngành nông nghiệp kêu gọi người dân đẩy mạnh sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để phục vụ nội địa và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường châu Âu. Cũng như khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất, xây dựng mùa vụ phù hợp tình hình thực tế…

Bà Nguyễn Thị Hồng Yến – Trưởng ban Hợp tác Quốc tế - Liên minh HTX Việt Nam cho rằng: “Khi Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại EVFTA, các sản phẩm đặc trưng của các HTX, trong đó có sản phẩm của các HTX ở Bình Thuận sẽ được Liên minh HTX Việt Nam xúc tiến ra thị thường quốc tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ban Hợp tác Quốc tế sẽ liên hệ đại sứ quán các nước giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam trong đó không thể thiếu thanh long Bình Thuận, từ trái tươi đến các sản phẩm chế biến như rượu vang, thanh long sấy khô… Đây là sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng là sản phẩm nằm trong chuỗi kết nối nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, sẽ tham mưu Liên minh HTX tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến, đưa ra các giải pháp để các HTX nâng cao năng lực thích ứng xuất khẩu sản phẩm có giá trị cao, tăng thu nhập cho thành viên. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa các HTX – nông dân – doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, quảng bá và xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh hiện nay là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp các HTX trong khu vực tăng tính liên kết, giao lưu, tăng giá trị sản phẩm cũng như mang lại lợi ích cho người dân, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo”.

Minh Vân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/de-nong-san-binh-thuan-tiep-can-thi-truong-moi-137551.html