Để nông sản không còn cảnh 'ăn chực nằm chờ'
Cuộc giải cứu hàng chục ngàn tấn nông sản giúp nông dân Hải Dương đỡ một phần thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã thành công, cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, tình trạng nông sản bị ùn ứ ở các cửa khẩu mỗi khi có 'sự cố thông quan' cho thấy: Mặc dù được xem là trụ cột của nền kinh tế nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng dễ bị tổn thương.
Chỉ trong 1 tuần, với sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều địa phương với đủ các hình thức, hàng chục ngàn tấn nông sản, rau củ của nông dân Hải Dương đã được tiêu thụ hết.
Chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều cuộc giải cứu dưa hấu, củ cải, hành tím... do đoàn viên, thanh niên tổ chức, mỗi khi nông sản được mùa nhưng mất giá. Với những người làm nông nghiệp, chuyện hàng trăm xe ô tô chở dưa hấu từ các tỉnh miền Trung xuất sang Trung Quốc gặp trục trặc, phải nằm lại cửa khẩu nhiều ngày, hư hỏng phải đổ bỏ; hay cảnh cà chua, bắp cải đầy đồng không ai thu hoạch vì giá quá rẻ, không đủ bù đắp chi phí... luôn là nỗi đau, là sự ám ảnh, là câu hỏi chưa có lời đáp.
Đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức sản xuất theo mô hình nông trại an toàn, hình thành những vùng nông sản tập trung, nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hướng đến chinh phục các thị trường mới, thị trường khó tính với những loại giống cây trồng mới, giá trị cao... đồng thời, hạn chế tình trạng quá phụ thuộc vào những thị trường dễ tính nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro là hướng mà ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã đặt ra và từng bước thực hiện.
Trên cả nước, những trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản đã hình thành và tiếp tục phát triển mạnh như: Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Sơn La, Hải Dương... với ngày càng nhiều loại giống cây trái đặc sản mới, mang lại giá trị xuất khẩu cao.
Nhìn lại năm 2020, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ lao đao vì dịch Covid-19 thì nông nghiệp lại nổi lên như một điểm sáng, một trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam với mức đóng góp hơn 41 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Lúa gạo, cà phê, cao su, hoa quả, cá, tôm... đã trở thành thế mạnh của xuất khẩu nông nghiệp.
Việc gạo ST25 đạt giải quốc tế, được xếp vào hàng ngon nhất thế giới không chỉ trở thành một “hiện tượng” trên thị trường nông sản quốc tế mà với thị trường trong nước, cũng là sản phẩm được “săn lùng” nhiều nhất. Nhiều tỉnh, thành đã tìm tới nhóm nghiên cứu để đưa giống lúa này triển khai đại trà ở địa phương mình. Khi chưa được giải quốc tế, mỗi ngày, ST25 chỉ bán được chừng 30 tấn thì hiện nay là 300 tấn.
Câu chuyện của giống lúa ST25 cho thấy: Việc mở rộng vùng sản xuất, tập trung đầu tư vào giá trị gia tăng cho hàng nông sản sẽ khắc phục được điểm yếu bấy lâu nay của nông nghiệp Việt Nam. Vấn đề là vai trò của các nhà khoa học nông nghiệp cần được thể hiện rõ hơn nữa trong việc giúp nông dân thay đổi nhận thức canh tác trên mảnh đất của mình.
Để nông sản dư thừa đến mức phải đổ bỏ, lỗi chính không ở nông dân. Bởi họ cũng tiếc vốn liếng, mồ hôi công sức của mình lắm chứ. Hãy giúp nông dân đoạn tuyệt với kiểu tư duy “thấy người ăn khoai mình cũng vác mai đi đào” bằng những kết quả nghiên cứu, trình diễn đầy thuyết phục để bà con biết phải sản xuất theo quy hoạch. Nông dân chỉ cần nhìn thấy ai làm ra sản phẩm tốt, bán được giá thì họ nghe và làm theo. Còn chuyện thị trường thế nào là trách nhiệm của nhà quản lý. Một cái bắt tay chặt chẽ giữa người làm chính sách với người sản xuất trên đồng ruộng chắc chắn sẽ mang lại những quyết định đúng cho việc trồng cây gì, nuôi con gì, trồng ở đâu, diện tích bao nhiêu là vừa.
Hãy chung tay vì sự phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại, để nông dân Việt Nam không còn đơn độc trên đồng ruộng, để nông sản làm ra không còn cảnh “ăn chực nằm chờ” ở cửa khẩu sau mỗi mùa thu hoạch. Có như vậy, chúng ta mới có thể hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Mà quan trọng nhất là đạt mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.