Để nông sản thực phẩm Việt 'chảy mạnh' vào chuỗi phân phối quốc tế
Trong một, hai tháng tới, nhiều nhà thu mua lớn ở nước ngoài sẽ đến Việt Nam để kết nối giao thương, tìm kiếm các nhà cung cấp mặt hàng nông sản thực phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu của họ. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn chung về mặt thị trường xuất khẩu như hiện nay, nhưng để nông sản thực phẩm Việt 'chảy mạnh' hơn vào chuỗi phân phối quốc tế thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ngày 27/7, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, một đoàn doanh nghiệp (DN) thu mua từ xứ sở hoa tulip sẽ sang Việt Nam nhằm tìm kiếm đối tác nhân dịp tham dự một chuỗi sự kiện kết nối các nhà cung ứng quốc tế vào giữa tháng 9 tới. Một trong những mặt hàng thu mua chính của các DN này là nông sản thực phẩm (đồ khô, đồ đông lạnh).
Sức hút lớn với nhà thu mua ngoại
Trong thành phần của đoàn Hà Lan cũng có DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh tất cả các mặt hàng nông sản chế biến từ Việt Nam.
Các nhà thu mua quốc tế đang dành sự quan tâm, tìm kiếm đối tác trong ngành hàng nông sản thực phẩm ở Việt Nam.
Sàn TMĐT do DN này vận hành đến nay đã có hơn 20 sản phẩm từ Việt Nam đạt tiêu chuẩn EU với các tiêu chí xanh, bền vững, hoạt động thông qua mô hình B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), được hệ thống siêu thị, cửa hàng, quán ăn, nhà hàng của Hà Lan tin dùng và đặt mua.
Trong khi đó, theo thông tin mới nhất từ Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), vào trung tuần tháng 8/2023 sẽ có 700 DN đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung ứng từ các nhà sản xuất nông sản thực phẩm Việt.
Những sản phẩm mà các DN nước ngoài tìm kiếm tập trung vào nhóm hàng hóa đồ uống, thực phẩm dinh dưỡng, thuốc, thực phẩm chức năng, thủy sản; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, đóng gói, bảo quản thực phẩm...
Còn theo thông tin mới đưa ra từ Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Công ty Thuấn Bang (Đài Loan) vừa liên hệ với Thương vụ và đề nghị giới thiệu nhà xuất khẩu (XK) sầu riêng Việt Nam để hợp tác giao thương.
Thuấn Bang là nhà nhập khẩu và phân phối sầu riêng chuyên nghiệp. Để mở rộng và đa dạng nguồn cung, nhà phân phối này mong muốn tìm kiếm các nhà XK hoặc vườn trồng sầu riêng chuyên nghiệp để nhập khẩu.
Trong những năm gần đây, do giá cả hợp lý, chất lượng sầu riêng ngày càng được cải thiện nên sầu riêng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Đài Loan và liên tục tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua. Sầu riêng nhập khẩu vào Đài Loan sẽ phải vượt qua được các yêu cầu về kiểm dịch tại cửa khẩu.
Ngoài ra, hàng loạt các đại siêu thị, các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài cũng đang lên danh sách mua sắm mặt hàng nông sản thực phẩm ở Việt Nam trong 2 tháng tới. Đơn cử như Tập đoàn Walmart của Mỹ đang mong muốn kết nối với các nhà cung cấp chiến lược tại Việt Nam ở lĩnh vực thực phẩm (chẳng hạn như thủy sản).
Walmart mong muốn phát triển số lượng và chất lượng nhà cung cấp tại Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác hơn nữa với các nhà cung cấp địa phương.
Hoặc như hệ thống Aeon Mall với hơn 20.000 điểm bán trên toàn cầu cũng đang gia tăng tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa tại Việt Nam, nhất là sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Hãy để “cánh cửa” luôn rộng mở
Những tín hiệu, sự quan tâm hợp tác giao thương của các nhà phân phối quốc tế như vậy là rất đáng khích lệ. Qua đó có thể thúc đẩy mặt hàng nông sản Việt XK trực tiếp, “chảy mạnh” hơn vào các chuỗi bán lẻ lớn ở nước ngoài. Nhất là trước bối cảnh ngành hàng này còn gặp không ít khó khăn, thậm chí có dự báo XK ngành nông, lâm thủy sản sẽ khó phục hồi, khó tăng thêm đơn hàng trong 5 tháng cuối năm nay do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa thể phục hồi, hoặc sẽ phục hồi chậm.
Ngoài vấn đề khách quan do khó khăn chung của thị trường XK, giới chuyên gia cho rằng mặt hàng nông sản thực phẩm Việt vẫn nên có “tầm nhìn toàn cầu” hay “giải pháp toàn cầu” để kết nối tốt hơn với các chuỗi phân phối quốc tế. Có như vậy thì khó khăn về đầu ra sẽ phần nào được giảm bớt, không những vậy còn có thể giúp việc XK được “tuôn chảy” mạnh hơn.
Như lời khuyên của ông Olivier Langlet, Tổng giám đốc Central Retail (nhà bán lẻ hàng đầu của Thái Lan), nông sản thực phẩm sẽ là lĩnh vực trọng tâm mà Central Retail đang tích cực tìm kiếm đối tác bền vững tại Việt Nam. Những sản phẩm được đặc biệt quan tâm tìm kiếm là những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ.
Đồng thời, theo ông Olivier Langlet, đó còn là những sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ blockchain, hay những sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn…
Cần lưu ý, lượng thu mua hàng năm của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan này tại Việt Nam trung bình đạt khoảng trên 100 triệu USD/năm, bất chấp nhiều biến động phức tạp trên thị trường quốc tế trong suốt thời gian qua.
Còn đứng ở góc độ của DN ngành điều, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Long Sơn (Bình Phước), cho biết vẫn hy vọng nhà bán lẻ Walmart sẽ tăng tỷ lệ đặt hàng với công ty trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, để cải thiện đơn hàng với nhà bán lẻ này thì vẫn tùy thuộc vào thời hạn kết thúc hợp đồng cung ứng giữa Walmart với một số nhà cung cấp truyền thống khác.
Trong việc đưa sản phẩm hạt điều vào chuỗi phân phối quốc tế, cần nhắc lại câu chuyện cách đây 2 tháng, một nhà phân phối lớn của Hàn Quốc là Mass C&G khi đến tỉnh Bình Phước đã bày tỏ mối quan tâm đến hạt điều của tỉnh này và có đề xuất hỗ trợ nghiên cứu, phát triển sản phẩm hạt điều mang Chỉ dẫn địa lý Hạt điều Bình Phước được phân phối độc quyền vào phân khúc cao tại thị trường Hàn Quốc bởi chính Mass C&G và các đối tác có liên quan.
Có thể thấy, đây không phải là đề xuất duy nhất từ một nhà phân phối lớn của Hàn Quốc. Điều này cũng đòi hỏi ở những địa phương có thế mạnh về ngành điều cần suy ngẫm và nên có nhận thức, lựa chọn Chỉ dẫn địa lý là việc phải làm ngay. Bởi đó là một công cụ để cạnh tranh quốc tế, khai thác triệt để đặc tính của nó trong chiến lược mở cánh cửa vào các chuỗi phân phối quốc tế.
Nói chung, để mặt hàng nông sản thực phẩm “chảy mạnh” vào chuỗi bán lẻ nước ngoài thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải luôn chủ động đồng hành với DN trong kết nối giao thương, vượt qua các yêu cầu về tiêu chuẩn thì “cánh cửa” sẽ luôn rộng mở.