Để phát triển nuôi biển bền vững
Khánh Hòa được xác định là địa phương tiên phong, dẫn dắt ngành nuôi biển của cả nước. Phát triển nuôi biển công nghệ cao là định hướng quan trọng để phát triển kinh tế biển của tỉnh. Tại hội nghị chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều ý kiến đóng góp để ngành nuôi biển tỉnh tiến ra biển lớn đã được nêu ra.
* Ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh:
Người dân mong muốn được hỗ trợ chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao
Từ năm 2010, nuôi thủy sản trên biển ở TP. Cam Ranh phát triển mạnh, với nhiều đối tượng nuôi. Đến thời điểm hiện nay, tại địa phương có hơn 2.000 hộ nuôi thủy sản lồng bè, với hơn 100.000 lồng nuôi. Địa phương đang tập trung rà soát, tăng cường tuyên truyền, tăng cường quản lý vùng nuôi.
Qua thành công của mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên vùng biển mở xã Cam Lập, các hộ nuôi biển ở Cam Ranh đã nhận thấy hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường và nhiều người mong muốn được hỗ trợ để từng bước chuyển đổi từ lồng bè gỗ truyền thống sang nuôi biển công nghệ cao. Tuy nhiên, rào cản hiện nay là phải có quy hoạch vùng nuôi để người dân mạnh dạn chuyển đổi. Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư ban đầu khá lớn (quy mô 20 lồng/hộ, chi phí khoảng 1,1 tỷ đồng) nên cần phải có chính sách tín dụng ưu đãi để người dân đầu tư nuôi. Đồng thời, phải giao mặt nước biển, phát triển chuỗi liên kết, truy xuất được nguồn gốc thủy sản nuôi để phục vụ xuất khẩu. Từ đó, ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho người nuôi…
* Ông Đỗ Trọng Thảo - Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa:
Chưa có nhiều khách hàng tiếp cận tín dụng phát triển nuôi biển công nghệ cao
Hiện nay, ngoài các chính sách tín dụng chung, chính sách tín dụng phát triển thủy sản, trong đó có nuôi biển công nghệ cao có chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với mức lãi suất thấp hơn 1 - 2% so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã triển khai rất sớm gói tín dụng này. Chi nhánh đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cung cấp danh sách người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi mô hình nuôi truyền thống sang mô hình nuôi biển công nghệ cao để các ngân hàng thương mại tiếp cận, thẩm định cấp tín dụng cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều khách hàng tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này; danh sách chúng tôi nhận được chỉ có 38 khách hàng, trong đó có 1 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, với tổng số tiền 51,7 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-6, dư nợ cho vay nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 12 tỷ đồng, với 6 hộ vay. Khó khăn hiện nay là khách hàng không có tài sản thế chấp nên chưa tiếp cận được vốn vay; tài sản phục vụ cho nuôi biển công nghệ cao chưa được cơ quan chức năng chứng nhận để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng; chưa có bảo hiểm cho nuôi biển công nghệ cao nên ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nươc Chi nhánh Khánh Hòa sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đến khách hàng nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp danh sách khách hàng có nhu cầu vay vốn phát triển nuôi biển công nghệ cao; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến lĩnh vực nuôi biển công nghệ cao để tạo điều kiện thuận lợi cho phía ngân hàng trong công tác thẩm định, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp có nhu cầu…
* Ông Joshua Nathan Goldman - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam:
Sẽ thí điểm nuôi cá công nghệ cao trên vùng biển mở
Nuôi cá biển tại Khánh Hòa từ năm 2008 đến nay, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đầu tư theo hướng nuôi biển công nghiệp công nghệ cao để phục vụ xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Năm nay, công ty dự kiến xuất khẩu 8.000 tấn. Bên cạnh đó, công ty đã cung cấp cá giống chất lượng cao với giá thấp; hỗ trợ kỹ thuật nuôi biển công nghệ cao cho người dân địa phương…
Để mở rộng phát triển nuôi biển, năm 2023, công ty đã có Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh thực hiện thí điểm nuôi cá công nghệ cao trên vùng biển mở tại khu vực Hòn Chà Là (vịnh Vân Phong). Tháng 4-2024, công ty đã chính thức xin được nuôi thử nghiệm trên vùng biển mở. Điều này rất cần thiết để đánh giá sự phù hợp của hệ thống lồng nuôi, công nghệ nuôi trên vùng biển mở, từ đó làm cơ sở để phát triển nuôi biển công nghệ cao hướng ra xa bờ…
H.L (Lược ghi)
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202407/de-phat-trien-nuoi-bien-ben-vung-d81460a/