Để phát triển thương mại điện tử bền vững
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển bùng nổ theo bề rộng với tốc độ thuộc tốp đầu thế giới. Tuy nhiên đã đến lúc cần phát triển thị trường này theo chiều sâu, hướng tới mục tiêu xanh, bền vững hơn.
Bùng nổ theo bề rộng
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company (công bố ngày 1-11-2023) Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này tới năm 2025. Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025.
Còn theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng 20% trong năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 đến 30% và dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023 này.
Đánh giá về sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, Tổng Giám đốc Công ty Accesstrade Việt Nam Đỗ Hữu Hưng chỉ rõ, hàng hóa Việt Nam có thể bán ra toàn cầu mà không cần phải thông qua các thương nhân nước ngoài. “Mười năm trước, chúng ta chưa tưởng tượng rằng việc mua hàng trong nước lại thuận tiện như bây giờ. Chỉ cần vào internet là mua được mọi thứ, hay đi ra ngoài không cần cầm ví mà chỉ cần QRCode”, ông Đỗ Hữu Hưng nêu.
Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà dẫn chứng số liệu đơn vị này khảo sát trong tháng 7 năm nay cho thấy, có 60% người tiêu dùng Việt Nam hiện dùng internet để mua sắm mỗi tuần. Đồng thời, 30% người tiêu dùng chi tiêu nhiều nhất đóng góp 70% giá trị cho kinh tế số Việt Nam; 71% cho rằng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi và rất tiện lợi.
Hướng tới phát triển chiều sâu
Tuy nhiên, thực tế hoạt động thương mại điện tử đã bộc lộ những hạn chế, trong đó nổi cộm là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử xanh.
Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phát triển thương mại điện tử xanh được đặt ra cấp thiết. Tuy nhiên, xanh hóa logistics vẫn là thách thức của các doanh nghiệp nhóm ngành này do việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải chưa cao, chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, đường không… gây phát thải CO2. Đó là chưa kể các doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ hạn chế về nhận thức và gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh.
Bà Phạm Thị Lan Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chuyển dịch ra khỏi phương thức vận tải phát thải CO2 cao.
“Logistics xanh là tối ưu vòng quay phương tiện và năng lực vận chuyển của các phương tiện để giảm thiểu xe rỗng, đạt hiệu quả cao nhất đồng thời liên kết các phương thức vận tải nhằm giảm thiểu phương thức không thân thiện với môi trường”, bà Lan Hương chỉ rõ.
Ngoài ra, chuyển đổi xanh còn là sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong hoạt động logistics như bao gói, hoạt động nhà kho…
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, phát triển thương mại điện tử bền vững phải gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Trên TikTok có hệ thống tiêu chuẩn cộng đồng với các quy định rất chặt chẽ bảo đảm những người bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền bị gỡ bỏ nhanh nhất”, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Trần Văn Trọng, thương mại điện tử của Việt Nam cần phát triển dựa trên 3 trụ cột chính để hướng tới bền vững. Đó là khắc phục khoảng cách phát triển thị trường thương mại điện tử giữa nông thôn và thành thị khi có tới 70% quy mô thương mại điện tử tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử đang thiếu trầm trọng; bảo vệ môi trường để hạn chế tối đa rác thải và phát thải.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh khẳng định, thời gian tới, mục tiêu phát triển thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở việc phát triển nhanh mà phải tập trung ở yếu tố bền vững. Để đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20 đến 25%, mức tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử đạt 20-25%, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp lý, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử để chống hàng giả, hàng nhái; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, tăng cường bảo vệ môi trường; khắc phục hạn chế của hạ tầng thương mại điện tử liên quan tới logistics, thanh toán…
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; triển khai cơ sở dữ liệu về công nghiệp và thương mại, xây dựng trục hợp đồng điện tử, nền tảng thương mại không giấy tờ; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử; quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng và trên nền tảng thương mại điện tử…”, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-ben-vung-649298.html