Đề phòng ảnh hưởng của bão số 9 tại Trung Bộ, Tây Nguyên
Chiều 26/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức họp báo về diễn biến bão số 9.
Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Các phân tích, dự báo hiện nay của Trung tâm cho thấy, bão số 9 sẽ di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, trực tiếp đến đất liền từ đêm 27/10. Hệ quả của bão vùng ven biển là gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng.
Theo ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Bão số 9 với cường độ rất mạnh, cấp 12-13 sẽ gây những đợt sóng cao tới 10 m trên Biển Đông. Không chỉ dự báo của Việt Nam mà cả những dự báo trên thế giới đều cho kết quả dự báo sóng cao.
Khi bão đi sâu vào vùng biển Trung Bộ, độ cao sóng ít suy giảm với lý do đây là khu vực biển thoáng, không bị che chắn, độ sâu của biển lớn và dốc nên mức độ làm giảm sóng do ma sát ít. Ven biển từ Quảng Bình –Phú Yên có sóng cao 4-7 m, vùng gần tâm bão (thành phố Đà Nẵng tới Bình Định), bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm có sóng cao 6-8 m, gió tại Lý Sơn có thể đạt cấp 11-12.
Về nguy cơ nước dâng, mặc dù nhiều khu vực không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng do hoàn lưu bão lớn, các khu vực ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Định cần đề phòng nước dâng do bão từ 0,5-1,5 m. Nguy cơ ngập úng cao tại khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng.
Về mưa lớn, từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200 mm/đợt. Từ ngày 28 đến 31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.
Do mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên báo động 2 đến báo động 3, có nơi vượt báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt diện rộng trở lại.
Ngoài ra, nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét vùng núi từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên; nguy cơ xảy ra sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu trong đợt lũ này. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4 – cấp rủi ro rất lớn.
Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn, bão số 9 còn kèm theo nhiều khả năng tác động của mưa dông, gió giật và sóng lớn tới các lĩnh vực khác, bao gồm: Các tuyến hàng hải như Đà Nẵng – Hoàng Sa, Cửa Việt - Cồn Cỏ, Cửa Đại - Cù lao Chàm, Sa Kỳ - Lý Sơn, Lý Sơn - Cù lao Bờ; các cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền như Sa Kỳ, Lý Sơn, Quy Nhơn, Phan Thiết - Phú Quý. Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên có rủi ro cao liên quan đến lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, chòi canh, các khu du lịch do gió mạnh và sóng lớn.
Ngoài ra, gió mạnh và sóng lớn có nguy cơ cao phá hủy, gây sạt lở các đê, kè, công trình ven biển và đê cửa sông đang thi công trên toàn tuyến từ khu vực Hà Tĩnh đến Phú Yên.
Tại các khu vực trũng ven biển thuộc các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi cần lưu ý ngập do nước biển dâng kèm theo sóng lớn. Riêng khu vực đầm phá thuộc Thừa Thiên-Huế nước biển dâng có thể đi sâu trong đất liền nhiều km.
Trên đất liền các tỉnh chịu ảnh hưởng, bão số 9 có thể gây gió ở cấp bão rất mạnh, vùng biển ven bờ và đất liền ven biển có khả năng cấp 11-12, giật 14. Tốc độ gió này có thể gây nguy hiểm đối với các công trình đang xây dựng, nhà cấp 4, nhà ở không kiên cố, cơ sở hạ tầng ven biển… ở các tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ, đặc biệt là từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng thấp, các khu đô thị từ Thanh Hóa đến Phú Yên có thể xảy ra trên diện rộng.
Đặc biệt, nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các địa phương thuộc Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên và tại các tỉnh lộ, quốc lộ đi qua các địa phương nói trên. Đặc biệt lưu ý khu vực huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), khu vực đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận từ tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum.
Cùng với đó, bão số 9 gây nguy cơ cao mất an toàn các hồ chứa vừa và nhỏ. Đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa xung yếu, đang xây dựng. Cần chú ý sạt lở đất tại 4 mỏ khai thác than, vàng, titan ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; các mỏ khai thác bauxite thuộc khu vực các tỉnh Kon Tum, Đắc Nông, Lâm Đồng.
Tại cuộc họp báo, các chuyên gia khí tượng của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo dự báo xa, trong nửa đầu tháng 11/2020 có thể xuất hiện 1-2 cơn bão nữa trên Biển Đông. Ngay sau bão số 9, có khả năng có tiếp cơn bão số 10. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật liên tục, kịp thời tình hình diễn biến thiên tai.