Đề phòng biến chứng do zona thần kinh

Mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, trong đó có virus gây bệnh zona thần kinh.

Bệnh dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như: bội nhiễm gây tổn thương da, viêm não, viêm màng não, viêm gan, thận... Thậm chí có những người liên tục bị tái phát, đau kéo dài; đặc biệt giai đoạn đau sau zona, người bệnh còn thường bị trầm cảm. Vì vậy bệnh cần được phát hiện và chữa trị đúng cách.

Nguyên nhân do đâu?

Trong thời gian bị nhiễm khuẩn ban đầu của bệnh thủy đậu, một số virus ở tế bào thần kinh của cơ thể trong trạng thái không hoạt động. Nhiều năm sau, virus có thể bị tái kích hoạt gây ra bệnh zona. Vì cơ thể đã có miễn dịch chống lại virus nên ban và bọng nước chỉ xuất hiện ở vùng da bị chi phối bởi dây thần kinh có virus tái hoạt động.

Đau dây thần kinh sau zona xảy ra nếu các sợi thần kinh bị tổn thương trong đợt bùng phát của bệnh zona. Sợi thần kinh bị tổn thương không thể gửi tin nhắn từ da đến não bộ theo cách thông thường mà thay vào đó, các thông điệp trở nên rối loạn gây đau dai dẳng hàng tháng, thậm chí cả năm.

Tiến triển của bệnh zona thần kinh.

Tiến triển của bệnh zona thần kinh.

Các yếu tố nguy cơ

Zona là tình trạng nhiễm virus Herpes zoster (HZ) cấp tính của hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, thường chỉ xảy ra ở một bên rễ thần kinh tủy sống. Hàng năm tỉ lệ mắc bệnh zona là 1,5 - 3,0%, bệnh có tỷ lệ mắc cao ở người cao tuổi và trung niên, thường sau 45 tuổi.

Một số yếu tố có thể dễ dẫn đến đau dây thần kinh hậu zona bao gồm: cao tuổi (thường trên 50 tuổi). Nữ giới hay bị hơn nam; Có biểu hiện đau nhiều trong giai đoạn có tổn thương ban và bọng nước; Ban và bọng nước nặng và lan rộng; Có các biểu hiện tiền triệu (đau và dị cảm đau vùng dây thần kinh bị ảnh hưởng trước khi xuất hiện ban và bọng nước); Cơ thể suy giảm miễn dịch như đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc corticoid, thuốc chống thải ghép ở những người ghép tạng, nhiễm HIV...; Một số yếu tố về mặt tâm lý xã hội cũng có thể thúc đẩy xuất hiện đau dây thần kinh hậu zona; Vị trí tổn thương: nguy cơ là thấp nếu zona ở vùng cằm, cổ và thắt lưng. Nguy cơ trung bình ở vùng ngực. Nguy cơ cao nhất ở vùng chi phối của dây thần kinh sinh ba (dây thần kinh sọ não số V), đặc biệt là nhánh mắt (vùng mặt) và đám rối thần kinh cánh tay.

Dấu hiệu nhận biết

Các biểu hiện của đau dây thần kinh sau zona thường giới hạn ở những vùng da đầu tiên xảy ra bệnh zona và thường chỉ một bên cơ thể. Có thể gồm:

Đau: Đau vẫn tiếp tục dai dẳng vài tháng hoặc thậm chí hàng năm sau mặc dù tổn thương ban đầu đã giảm hoặc hết. Cảm giác đau nóng rát, giần giật, đau nhói trong sâu.

Nhạy cảm đau: Cảm giác đau xuất hiện khi có các kích thích mà bình thường không gây đau hoặc khó chịu như tiếp xúc nhẹ, kể cả tiếp xúc với quần áo, hơi nóng hoặc hơi lạnh.

Ngứa và tê: Ít gặp hơn. Hiếm gặp hơn có thể có biểu hiện yếu hoặc liệt cơ.

Cách điều trị

Mục đích của điều trị của bệnh là chống bội nhiễm thương tổn da, chống đau dây thần kinh, chống virus, phòng tránh các biến chứng nặng và đau sau zona.

Bác sĩ cần giải thích cho người bệnh hiểu được bản chất của bệnh, bao gồm cả tính chất dai dẳng của triệu chứng và mục tiêu của điều trị; Khuyên người bệnh mặc quần áo rộng rãi, chất liệu cotton sẽ giảm được kích thích lên vùng da nhạy cảm.

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Trong nhiều trường hợp, có thể cần phải kết hợp các phương pháp điều trị để giảm đau. Thường kết hợp các thuốc giảm đau tại chỗ (miếng dán có chứa thuốc giảm đau hoặc bôi thuốc giảm đau) và thuốc giảm đau toàn thân, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống co giật, thuốc giảm đau dạng thuốc phiện... Tuy nhiên, đau hoặc khó chịu đáp ứng kém với các thuốc giảm đau thông thường. Những trường hợp nặng hơn có thể cần dùng phương pháp thủy châm bằng các thuốc tăng cường dinh dưỡng, bổ thần kinh; phương pháp kích thích điện thần kinh qua da; tiêm thuốc phong bế dây thần kinh...

Vắc-xin có thể giúp ngăn ngừa bệnh zona và đau dây thần kinh hậu zona ở người trưởng thành.

Bệnh zona thường đau trước khi phát ban. Nguy cơ phát triển đau dây thần kinh hậu zona giảm một nửa nếu bắt đầu dùng thuốc kháng virus trong vòng 72 giờ từ khi xuất hiện phát ban bệnh zona. Việc điều trị đau sau zona phải được các bác sĩ chỉ định và tư vấn cẩn thận.

Lời khuyên của thầy thuốc

Chỉ có cách duy nhất là phải được điều trị sớm ngay ngày đầu tiên hoặc ngày thứ 2-3 sau khi có dấu hiệu tiền triệu. Ðiều trị bằng thuốc kháng virus đúng liều, đúng khoảng cách dùng thuốc và đủ liệu trình điều trị là 7-10 ngày. Tùy vào trường hợp cụ thể mà kết hợp thuốc kháng virus với nhiều loại thuốc khác để giảm tối đa sự viêm dây thần kinh trong zona để kết quả điều trị được đảm bảo. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra người bệnh cần nghỉ ngơi và nâng cao sức đề kháng là yếu tố quan trọng trong điều trị.

BS. Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-phong-bien-chung-do-zona-than-kinh-n170605.html