Đề phòng nguy cơ dịch tay chân miệng bùng phát
Tháng 5 hàng năm thường là cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng (TCM). Nguyên nhân là do mưa nắng thất thường kết hợp với việc trẻ nhỏ dễ lây bệnh cho nhau tại trường học.
Số liệu từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận khoảng gần 1.000 ca mắc TCM, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 84 trường hợp mắc TCM trên địa bàn và 1 ổ dịch TCM mới tại quận Ba Đình.
Trong khi đó, tại nhiều địa phương trên cả nước đều ghi nhận tình trạng dịch bệnh này tăng mạnh. Đơn cử, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 150 ca mắc TCM, tăng 17,19% so với tuần trước và tăng 177,78% so với tuần cùng kỳ 2023.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cũng thông tin, trong 2 tuần gần nhất, Hải Dương ghi nhận thêm 31 bệnh nhân mắc TCM, tăng 18 trường hợp so với 2 tuần trước đó. Tính từ đầu năm tới nay, Hải Dương đã ghi nhận 183 ca mắc bệnh này, tăng 389% so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Hải Dương, 2 tuần trở lại đây, bình quân mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện điều trị cho từ 20 - 30 bệnh nhân. Trong đó trẻ mắc TCM chiếm 50%.
Còn theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, tích lũy từ đầu năm đến đầu tháng 5, toàn khu vực ghi nhận 10.171 ca mắc tăng 2,3 lần so với năm 2023.
BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: “Thời gian gần đây bệnh TCM đang có xu hướng tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Đối với trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ, chỉ có loét miệng, tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt thì trẻ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong”.
Để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Các phụ huynh thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh viện từng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ biến chứng nặng do gia đình không biết nên đã bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo khi trẻ mắc TCM một cách đáng tiếc. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, bệnh TCM có thể diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do vậy, nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng như sốt cao không đáp ứng điều trị, giật mình, quấy khóc dai dẳng kéo dài thì cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.