Đề phòng tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa bão, ngập lụt

Theo ông Nguyễn Thành Bảo - Giám đốc Điện lực Thanh Bình, việc tự ý giăng mắc điện sau điện kế của người dân không đảm bảo về an toàn điện, thường có các trường hợp như: chưa trang bị đầy đủ thiết bị đóng cắt, bảo vệ (CB, ELCB) hoặc lắp không phù hợp công suất; sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ gây quá tải, tróc vỏ làm chạm chập gây cháy nổ hoặc đi dây chạm vào các dây chằng kim loại, vách, mái nhà tôn, gây tai nạn điện; dây dẫn giăng mắc lên cây xanh, để dưới đất, dưới nước hoặc giăng mắc lên các cây gỗ mục dễ gãy, ngã làm đứt dây dẫn điện gây tai nạn. Người dân sử dụng điện sai mục đích gây nguy hiểm như: rà cá, bẫy chuột, dùng làm bảo vệ... tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tai nạn điện; lựa chọn thiết bị điện kém chất lượng (dây dẫn pha tạp chất dễ đứt, cháy, có lớp cách điện thấp) không đảm bảo an toàn; đi dây sau điện kế buộc, néo trực tiếp vào khung, dây bằng kim loại lâu ngày bị bó siết vô dây dẫn đến rò điện toàn bộ khu vực nhà, công trình, gây tai nạn điện... Các trường hợp này là những mối nguy gây tai nạn điện, nhất là trong mùa mưa, bão, lũ.

Nhân viên điện lực chặt mé cây xanh, bảo đảm hành lang an toàn lưới điện trong mùa mưa bão

Nhân viên điện lực chặt mé cây xanh, bảo đảm hành lang an toàn lưới điện trong mùa mưa bão

Để đề phòng các tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa bão, ngập lụt, ngành điện khuyến cáo:

Công tác chuẩn bị và những việc cần làm

Người dân nên chú ý kiểm tra hệ thống điện trước mùa mưa bão, khắc phục ngay các khiếm khuyết của hệ thống điện sau điện kế có nguy cơ gây sự cố, tai nạn như: thay trụ, thay dây dẫn, bọc cách điện mối nối, bảo trì thiết bị điện, đốn mé cây xanh đè dây điện,...; lắp và kiểm tra hoạt động của cầu dao chống giật còn hiệu quả không, để khi có bị chạm rò điện thì thiết bị này sẽ tự động cắt nguồn điện, ngăn ngừa tai nạn điện; kéo dây sau công tơ điện phải đi trên trụ chắc chắn có sứ ống chỉ và cách mặt đất từ 4m trở lên, trường hợp kéo dây vượt lộ thì phải đạt 6m trở lên; không đi dây dưới đất, dưới nước, lắp vào cây xanh; dây đảm bảo chắc chắn khi có mưa giông, gió lốc không bị gió đánh rơi xuống đất hoặc đứt dây; lắp tiếp đất thiết bị điện, thiết bị điện đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà nên lắp ở vị trí cao hơn mực nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt điện riêng từng khu vực có tính năng chống rò điện; ngắt nguồn điện (cúp cầu dao, CB, MCB) nếu trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa dột làm ướt sàn, kể cả các nhà, kho, xưởng, chuồng trại, chòi tạm bợ có sử dụng điện; cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo... ngoài vườn, ao cá) khi trời mưa to, gió lớn.

Người dân lưu ý chặt tỉa cây xanh có khả năng ngã vào đường dây điện, dọn dẹp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và hạ áp; khi cần chặt cây gần đường dây điện nếu thấy có nguy cơ cây ngã đổ vào đường dây gây phóng điện, sự cố mất điện và tai nạn điện thì người dân không tự ý thực hiện mà phải liên hệ phối hợp với Điện lực gần nhất để có biện pháp an toàn hữu hiệu; chằng néo nhà, công trình, gia cố mái tole, mái che bảng hiệu quảng cáo gần đường dây điện chắc chắn đề phòng bay vào lưới điện gây sự cố lưới điện và tai nạn khi có giông lốc; lắp kim thu sét, nối đất khung sắt - mái tole của nhà, hàng rào, thiết bị điện để đề phòng dây điện chạm chập rò điện và sét đánh gây nguy hiểm gây tai nạn, chạm chập cháy nổ.

Những việc phòng tránh, không nên làm

Không đứng gần cột điện, trạm biến áp, các dây nối đất thoát sét, ở dưới đường dây điện hoặc trú mưa ở dưới cây cao khi trời mưa hoặc lúc có giông sét; không tự ý leo lên cột điện hoặc vượt qua hàng rào trạm điện, chạm người vào các thiết bị điện, dây chằng néo cột, dây nối đất, hộp công tơ, hộp cầu dao... để đề phòng điện giật do rò điện; không được tự ý tháo gỡ, chiếm dụng, làm thay đổi các kết cấu của công trình điện (dây chằng, thanh giằng, dây tiếp địa, móng trụ điện); không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè ... trong vùng ngập lụt có đường dây điện gần với mặt nước để tránh bị phóng điện gây tai nạn; không buộc gia súc và thuyền bè vào cột điện để đề phòng cột bị gãy đổ và bị điện giật; sử dụng trụ, móng trụ công trình điện làm lều, quán... bít lối vào; không mang vác, lắp dựng cây, cột bằng kim loại, cột ăng-ten ti vi, cây tre gỗ tươi gần đường dây điện lúc mưa to, gió lớn để tránh va chạm gây nên phóng điện dẫn đến tai nạn; không dùng điện để rà cá, bẫy chim, chuột, chống trộm cắp... gây nguy hiểm đến tính mạng con người...

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/de-phong-tai-nan-dien-xay-ra-trong-mua-mua-bao-ngap-lut-124296.aspx