Đề phòng viêm phổi mùa lạnh ở trẻ

ĐBP - Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi tại địa bàn miền núi tỉnh ta. Dù tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi có thấp hơn một số huyện vùng cao khó khăn khác trong tỉnh, nhưng đây vẫn luôn là mối lo được ngành Y tế huyện Tuần Giáo chú trọng lưu tâm. Nhất là trong thời điểm giao mùa, chuyển lạnh.

Bác sĩ Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo) thăm khám cho bệnh nhi mắc viêm phổi.

Bác sĩ Quàng Thị Liên, Trưởng khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo) cho biết: “Thời điểm này, Khoa thường xuyên duy trì đón tiếp, điều trị cho 40 - 60 bệnh nhân, phần lớn là mắc bệnh viêm phổi. Cách đây 1 tháng, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, Khoa còn quá tải khi tiếp nhận đến 100 bệnh nhi, hầu hết đều mắc viêm phổi. Các cháu chủ yếu dưới 1, 2 tuổi. Bởi sự chủ quan của phụ huynh, khi nhập viện, nhiều trường hợp đã viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải hỗ trợ thở oxy, trẻ sơ sinh phải nằm lồng ấp. Tháng trước có 2 cháu phải chuyển tuyến, rất tiếc 1 cháu không qua khỏi”.

Bé Mùa Kim Liên, hơn 2 tháng tuổi vừa được chuyển từ Khoa Hồi sức cấp cứu về Khoa Nhi sau 2 ngày điều trị tích cực. Mẹ của cháu là Vừ Thị Pà, xã Tỏa Tình cho biết: “Con ho 3 ngày, đến khi thở rít, khò khè, khó thở, khó bú thì vợ chồng em lo quá mới cho đi khám, nhập viện ngay. Đến nay là ngày thứ 4, cháu đã đỡ, thở nhẹ hơn, bú được khá. Bác sĩ nhắc nhở lần sau thấy con có triệu chứng ho, khó thở, bỏ bú là phải đưa đi khám sớm, như lần này là rất nguy hiểm”.

Tại Khoa Nhi còn rất nhiều trường hợp như bé Liên, được nhập viện khi đã sốt cao, co giật, khó thở, ho nặng. Mắc viêm phổi, trẻ thường sốt, ho và khó thở; nặng hơn trẻ thở rít có rút lõm lồng ngực (quan sát vùng ngực của trẻ khi thở thấy có chỗ lõm sâu dưới bờ sườn). Khi bệnh chuyển nặng, trẻ có một trong các dấu hiệu nguy hiểm: Trẻ không bú được, không uống được, cơ thể co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở rít... Viêm phổi có thể xảy ra quanh năm nhưng hay gặp nhất vào mùa đông xuân, do thời tiết lạnh, sức đề kháng của trẻ còn non yếu, cùng với các loại vi rút cúm có cơ hội phát triển. Trường hợp trẻ mắc viêm phổi mà không phát hiện điều trị kịp thời, bệnh nặng rất nhanh, nguy cơ tử vong cao. Các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có những biểu hiện như trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám và điều trị.

Khi trẻ mắc viêm phổi phải thường xuyên giữ ấm, vệ sinh mũi, miệng, tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời tăng cường chăm sóc dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Bác sĩ Quàng Thị Liên khuyến cáo để phòng bệnh viêm phổi cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý: Cung cấp cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, trẻ nhỏ cho bú nhiều lần trong ngày. Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm thấp, tránh hít phải khói bụi và các chất kích thích. Hàng ngày vệ sinh răng miệng cho trẻ; khám và điều trị sớm, tích cực các bệnh tai mũi họng, răng hàm mặt cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi để tránh các loại khuẩn xâm nhiễm. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vào mùa đông cần mặc quần áo đủ ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ, đầu mặt cho trẻ, nhất là khi đưa trẻ đi ra ngoài...

Bài, ảnh: Bảo Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/suc-khoe/202309/de-phong-viem-phoi-mua-lanh-o-tre