Để phụ nữ không sập bẫy lừa đảo trên không gian mạng

Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ hội về an ninh mạng và phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em; qua đó trang bị cho chị em những kiến thức cơ bản, thiết thực giúp phòng chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng…

Trung tá Trần Tuấn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh chia sẻ thông tin về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng đến học viên. Ảnh: THÁI HÀ

Trung tá Trần Tuấn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh chia sẻ thông tin về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng đến học viên. Ảnh: THÁI HÀ

Thủ đoạn tinh vi, gây nhiều hệ lụy

Sự bùng nổ của CNTT, dịch vụ internet, mạng xã hội đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của cá nhân, cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, công nghệ cũng tồn tại nhiều mặt trái. Trong đó, lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng gia tăng, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ.

Theo trung tá Trần Tuấn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng trên cả nước nói chung và địa bàn Phú Yên nói riêng diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ thiệt hại lớn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Hiện nay, trong 25 thủ đoạn lừa đảo phổ biến được thống kê thì Phú Yên đều đã có người sập bẫy. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Nhất là những phụ nữ không có việc làm, ở nhà nội trợ, chăm con nhỏ... Thường khi sập bẫy kẻ lừa đảo, những người này tìm cách giấu gia đình, người thân việc mình trở thành nạn nhân.

Từ năm 2022-6/2024, Phú Yên ghi nhận 101 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng với tổng thiệt hại gần 60 tỉ đồng. Thực tế, con số này còn nhiều hơn nữa vì có nhiều trường hợp không báo cáo cơ quan chức năng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 xảy ra 34 vụ, tăng 14 vụ so với cùng kỳ, trong đó đáng chú ý là vụ thiệt hại hơn 8 tỉ đồng.

Nói về hệ lụy của việc sập bẫy lửa đảo, trung tá Trần Tuấn cho biết: “Tôi đã từng gặp các chị bị lừa, đến cơ quan công an trình báo và ngồi thất thần vì mất phương hướng. Bởi, mất tài sản là một chuyện, chuyện khác là họ không biết phải công khai việc mình bị lừa thế nào với chồng và gia đình. Việc bị lừa mất một số tiền lớn còn gây đổ vỡ niềm tin, gây ra những mâu thuẫn trong gia đình và có thể dẫn tới ly hôn”.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Phương Liên, phụ nữ có nhu cầu rất chính đáng là tìm được việc làm mà vẫn có thể chăm sóc được con. Chính vì vậy, rất nhiều phụ nữ hiện nay đang rơi vào bẫy làm việc online tại nhà, đầu tư tại nhà và trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao. Mặc dù nhiều chiêu trò lừa đảo không mới, nhưng có người vì tâm lý hoang mang, lo lắng, nhẹ dạ cả tin vẫn trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo với thiệt hại lên đến hàng triệu, hàng tỉ đồng.

Giúp ứng phó thách thức trên không gian mạng

Trước tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ hội phụ nữ nhằm giúp họ phân biệt những thông tin xấu, độc trên không gian mạng; cảnh báo về tình trạng tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội để tuyên truyền hiệu quả đến hội viên, người dân.

Học viên được đại tá Nguyễn Tường Quân, Giám đốc Trung tâm 1, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an chia sẻ về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng; những khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm khi tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, ẩn danh; sử dụng tài khoản giả mạo, sim rác và số điện thoại ảo. Đại tá Nguyễn Tường Quân cũng nêu các giải pháp phòng, chống giúp chị em không bị sập bẫy lừa đảo.

Theo đại tá Nguyễn Tường Quân, ngoài việc tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, nâng cao nhận thức sâu rộng cho người dân nhằm ngăn chặn tội phạm mạng và các hoạt động lừa đảo trực tuyến thì người dùng mạng xã hội cần thường xuyên nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ mình. Đó là tâm lý chậm lại và thận trọng trước các thông tin và tham gia tương tác trên mạng xã hội; thận trọng, hạn chế để lộ thông tin cá nhân vì các đối tượng sử dụng thông tin này để giả mạo danh tính và bị sử dụng danh tính để giả mạo, lừa đảo. Khi nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần đến trình báo cơ quan công an gần nhất.

Nắm được các thông tin bổ ích nhờ tham gia lớp tập huấn, chị Tô Thị Mỹ Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường 7, TP Tuy Hòa cho biết: “Trong tất cả các cuộc họp tại cơ sở hội, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền để chị em hội viên hiểu, không có chuyện tự nhiên người ta tặng quà, hay đem lợi ích đến cho mình. Khi tham gia lớp tập huấn, tôi hiểu sâu rộng hơn về Luật An ninh mạng, về các thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian để qua đó có thể về địa phương truyền thông, giúp chị em hiểu được việc nào cần thiết, việc nào không cần thiết khi truy cập mạng xã hội”.

Người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật những tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng. Đồng thời cần sử dụng các công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và phần mềm chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng.

Đại tá Nguyễn Tường Quân, Giám đốc Trung tâm 1, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/321512/de-phu-nu-khong-sap-bay-lua-dao-tren-khong-gian-mang.html