Để phụ nữ trẻ nông thôn tiếp cận kinh doanh trên nền tảng 4.0 hiệu quả
Chị Bùi Bích Ngọc, cố vấn khởi nghiệp bán lẻ, đã chia sẻ với PNVN về những thách thức cũng như cách để phụ nữ trẻ nông thôn có thể vượt qua rào cản, tiếp cận kinh doanh trên nền tảng 4.0 một cách hiệu quả.
PV: Theo chị, đâu là rào cản đối với phụ nữ trẻ ở khu vực nông thôn trong việc kinh doanh trên nền tảng 4.0?
Chị Bùi Bích Ngọc: Theo tôi, rào cản đầu tiên là chưa biết cách kể câu chuyện cho sản phẩm của mình. Hiện nay, thương mại điện tử phát triển, để bán hàng online, người bán không đơn thuần là đăng một bức ảnh cùng giá bán lên là sẽ có đơn hàng. Nhịp sống ở nông thôn đang phát triển từng ngày.
Nếu xác định kinh doanh online thì sự cạnh tranh giữa thị phần thành thị và nông thôn là như nhau. Nhiều bạn biết đến những tên tuổi như "cô Thơ Nông Sản", "Hana Ban Mê"... họ đều có điểm chung là những người biết kể câu chuyện về sản phẩm của mình. Hãy học tập cách làm của họ để có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Ví dụ, nếu bạn là một người bán mật ong hãy đăng tải những hình ảnh bạn chăm sóc tổ ong ra sao, vất vả thế nào khi lấy mật, đôi khi là " khoe" vài nốt ong đốt của bạn. Những câu chuyện thực tế như vậy là cách để sản phẩm của bạn có một câu chuyện riêng, "không đụng hàng". Và khách hàng sẽ luôn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm họ được biết cả câu chuyện phía sau để làm ra sản phẩm ấy.
Rào cản thứ 2, theo tôi, là nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì chất lượng sản phẩm đồng đều. Tư tưởng "cây nhà lá vườn" có thể tốt trong một vòng tròn cộng đồng của bạn nhưng để kinh doanh ở một môi trường rộng hơn, start-up cần ý thức việc đảm bảo chất lượng.
Nếu là nông sản thì phải có đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu là người trực tiếp sản xuất, chị em hãy tham gia những chương trình như "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) để được hỗ trợ quảng bá trong nhiều chiến dịch.
Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh về việc thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc khách hàng. Nhiều người quan niệm mua bán online là "mua đứt, bán đoạn" là hoàn toàn sai lầm. Việc quyết định khách hàng có tiếp tục gắn bó với mình hay không, ngoài vấn đề chất lượng, yếu tố chăm sóc khách đóng vai trò then chốt. Việc chăm sóc khách hàng có thể bằng nhiều hình thức như: đánh giá mức độ hài lòng; tặng quà đi kèm…
PV: Vậy theo chị, làm thế nào để các start-up trẻ ở khu vực nông thôn tiếp cận được nhiều khách hàng hơn?
Chị Bùi Bích Ngọc: Trong kinh doanh, có một quy luật tâm lý khách hàng nổi tiếng, đó là Biết - Thích - Tin - Mua. Đây cũng là cách mà chị em có thể áp dụng vào việc thu hút khách hàng. Ban đầu, chị em cần nỗ lực quảng bá sản phẩm để nhiều người biết đến bằng cách nhờ người quen giới thiệu, tham gia hội chợ, chia sẻ trên các trang mạng xã hội...
Sau khi được khách hàng biết đến rồi, hãy chia sẻ chân thành câu chuyện về hành trình làm ra sản phẩm của mình, để người tiêu dùng "Thích" bạn nhiều hơn. Sau khi đã "Thích" rồi, khách hàng sẽ "Tin" vào sản phẩm và người làm ra nó. Đến một ngày, họ phát sinh nhu cầu "Mua" sản phẩm của bạn một cách rất tự nhiên.
Quy luật này cũng là một cách hiểu đơn giản của việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng 4.0. Cá nhân ai cũng nên có một thương hiệu riêng. Chị em xây dựng được thương hiệu bằng sự chân thành, tử tế thì khách hàng sẽ tìm đến với mình, với chi phí quảng cáo gần như 0 đồng.
PV: Chị có lời khuyên gì cho chị em phụ nữ nông thôn bắt đầu khởi nghiệp?
Chị Bùi Bích Ngọc: Thực tế, phụ nữ nông thôn có nhiều lợi thế như được ở gần với nguồn nguyên liệu, kiểm soát được các khâu chế biến sản xuất… Theo tôi, chị em hãy sắp xếp thời gian bổ sung cho mình những kiến thức để hiểu khách hàng hơn, hiểu cách thức hoạt động của từng nền tảng mà chị em có ý định tham gia, để phát triển hiệu quả công việc kinh doanh của mình.