Để phụ nữ tự tin, tỏa sáng
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ có điều kiện tốt để phát triển bản thân. Riêng với phụ nữ các dân tộc thiểu số, những cô giáo đang sống, làm việc ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn, sự 'thiệt thòi' là không thể phủ nhận. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có trao đổi với các bà: Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; Lê Thị Hải Lý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước; Trần Thị Huệ, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu 1, huyện Mường Lát.
Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Phát huy tính năng động, sáng tạo giúp phụ nữ tự tin khẳng định mình
Bà Ngô Thị Hồng Hảo:
Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy, khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn trong việc làm kinh tế. Người phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình qua con số có tới 25,4% phụ nữ làm chủ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có tính sáng tạo cũng như khả năng thích nghi cao, họ cũng sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới.
Phụ nữ xứ Thanh hiện chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực có vai trò, vị trí quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh nhà và hiện họ đang là tiềm lực khởi nghiệp rất lớn. Để phát huy tiềm năng của phụ nữ đóng góp cho các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của tỉnh, trong những năm qua các cấp hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa xác định hỗ trợ xây dựng và phát triển bền vững các mô hình sinh kế là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững. Qua đó giúp phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số, yếu thế nói riêng nâng cao quyền và khả năng làm kinh tế, từ đó tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội.
Cùng với đó, trong quá trình “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025); Kết luận số 684-KL/TU ngày 10-12-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025… các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, chú trọng mô mình tổ hợp tác, tổ liên kết, HTX; ứng dụng công nghệ hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số kết nối, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp sạch…
Bà Lê Thị Hải Lý: Hỗ trợ để phụ nữ làm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Bà Lê Thị Hải Lý:
Bá Thước nói chung, hai xã Thành Lâm và Thành Sơn nói riêng là địa bàn sinh sống của phần đa đồng bào các dân tộc thiểu số. Phải khẳng định, du lịch sinh thái cộng đồng đã thực sự làm thay đổi đời sống kinh tế của người dân nơi đây.
Hàng năm, Hội LHPN huyện Bá Thước đã tổ chức các cuộc truyền thông về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng xử văn minh du lịch… cho các hội viên và đã mang lại hiệu quả tích cực.
Trong câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng ở Bá Thước, vai trò của chị em phụ nữ rất quan trọng. Không chỉ điều hành doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch, phụ nữ còn tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ (múa, nhảy sạp…) biểu diễn phục vụ du khách, ở hai xã Thành Lâm và Thành Sơn còn thành lập các nhóm phụ nữ làm du lịch. Tuy nhiên hiện nay, các tiết mục biểu diễn của chị em phụ nữ phần nhiều là tự phát, tự học qua nhau. Vì thế trước mắt các chị em phụ nữ tham gia làm du lịch mong rằng sẽ có sự hỗ trợ của các ngành, đơn vị chuyên môn mở lớp dạy múa - những bài múa hát truyền thống để thông qua việc biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ không chỉ lan tỏa nét đẹp mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Bà Trần Thị Huệ: Tạo điều kiện để nữ giáo viên trẻ lên vùng cao
Bà Trần Thị Huệ:
Sau khi ra trường, theo sự phân công tôi cùng nhiều đồng nghiệp đã ngược ngàn lên với người dân vùng cao Mường Lát làm công tác dạy học. Trước khi đi, cũng đã nghe qua những khó khăn sẽ phải đối mặt. Nhưng quả thực khi lên đến nơi mới thấy khó khăn, vất vả ngoài sự tưởng tượng. Chấp nhận ngược ngàn là chấp nhận vất vả. Bù lại, chúng tôi được người dân, học sinh quý mến, thương yêu; được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong các chế độ, chính sách… đó là những sự động viên tinh thần, vật chất rất lớn.
Dẫu vậy, thực tế hiện nay, với những thế hệ nữ giáo viên trẻ kế tiếp mỗi năm vẫn không quản vất vả lên vùng cao công tác, theo tôi họ cần được tạo điều kiện để không chỉ cống hiến mà còn cả phát huy sức sáng tạo tuổi trẻ, từ đó khẳng định năng lực bản thân; khơi dậy tâm huyết để gắn bó với đồng bào vùng cao… Bởi chính những giáo viên trẻ sẽ là những người “ươm mầm xanh” tương lai hy vọng trên vùng đất khó.