Đế quốc Tây Ban Nha - Từ gia tộc thất thế trở thành Đế quốc toàn cầu – Kỳ I

Với khát vọng dẫn đầu và chinh phục thế giới, Tây Ban Nha dần trở thành cường quốc thực dân có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới, với lãnh thổ trải dài từ California tới Patagonia, cùng các thuộc địa đến tận ở tây Thái Bình Dương...

Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong cho phong trào thám hiểm thế giới và chủ nghĩa bành trướng thuộc địa của châu Âu mở các lộ trình giao thương qua đại dương. Ngay từ đầu thế kỷ XV - XVI, Tây Ban Nha đã trở thành một trong những đế quốc toàn cầu đầu tiên của thế giới khi lãnh thổ được mở rộng từ châu Á đến châu Phi và châu Mỹ. Trong suốt quá trình khai phá thuộc địa, đế quốc Tây Ban Nha đã lật đổ những nền văn minh Aztec, Inca, Maya và thống trị các đại dương với hạm đội tàu giàu kinh nghiệm, sức mạnh bậc nhất. Ở thời cực thịnh, tổng diện tích lãnh thổ Tây Ban Nha cai quản là 19.400.000 km2 đứng đầu thế giới thời kỳ này với dân số 68 triệu người; trở thành siêu cường quốc và đế quốc đầu tiên được gọi là "đế quốc mặt trời không bao giờ lặn".

Tinh thần học hỏi, tìm tòi, khám phá đã giúp Tây Ban Nha trở thành đế quốc toàn cầu đầu tiên trên thế giới. Trong đó, có đóng góp rất lớn của nhà thám hiểm Christopher Columbus (1451-1506) khi khám phá ra châu Mỹ - một bước ngoặt làm thay đổi lịch sử thế giới. Bên cạnh đó, đế quốc Tây Ban Nha còn đạt được nhiều thành tựu nổi bật ở các lĩnh văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, ngôn ngữ… Ở lĩnh vực văn học, đế quốc này là nơi sản sinh tiểu thuyết lớn đầu tiên của nhân loại - "Don Quijote", cho đến nay sức hút và ảnh hưởng của nó vẫn được nhiều quốc gia trên thế giới không ngừng học hỏi, nghiên cứu và giải mã.

Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng đế quốc Tây Ban Nha đã không ngừng tiếp thu văn hóa của các nước thuộc địa, đồng thời để lại di sản lớn về văn hóa và ngôn ngữ, với trên 500 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha trên thế giới hiện nay.

Văn học Tây Ban Nha là một trong những nền văn học có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Với tác phẩm kinh điển Don Quijote của nhà văn Miguel de Cervantes Saavedra ra đời vào thời kỳ đỉnh cao và cũng bắt đầu tuột dốc của đế quốc Tây Ban Nha với sự giao tranh quyết liệt của thời đại, giữa cái cũ và cái mới; nhưng nó lại mở đầu cho kỷ nguyên vàng trong văn học Tây Ban Nha. Qua hình tượng Don Quixote đã phản ánh được tính đa diện của con người, bên cạnh tính cách gàn dở là sự tế nhị, thương yêu đồng loại, yêu quý tự do và ghét thói xa hoa ăn bám của bọn quý tộc đương thời và biết trọng đạo lý. Ở Tây Ban Nha nhiều thể loại văn học ra đời như Mester de Juglaría, Mester de Clerecía, Coplas por la muerte de su padre hay El Libro de buen amor. Đến thời Phục hưng, các tác phẩm lớn là La Celestina và El Lazarillo de Tormes, trong khi văn học tôn giáo được hình thành với các nhà thơ như Luis de Léon, San Juan de la Cruz, Santa Teresa de Jesús.

Nghệ thuật Baroque có vai trò quan trọng và gắn liền với thời kỳ đế quốc Tây Ban Nha hưng thịnh, không chỉ gói gọn trong hội họa mà còn phát triển cả trong điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc, văn học… Các nhà văn tiêu biểu như Francisco de Quevedo, Lope de Vega, Calderón de la Barca hay Tirso de Molina. Đến thời kỳ khai sáng, nổi lên các tên tuổi như Leandro Fernández de Moratín, Benito Jerónimo Feijóo, Gaspar Melchor de Jovellanos hay Leandro Fernández de Moratín. Ở thời kỳ lãng mạn, José Zorrilla sáng tạo ra một trong những nhân vật điển hình nhất của văn học châu Âu là Don Juan Tenorio. Các nhà văn thời kỳ là Gustavo Adolfo Bécquer, José de Espronceda, Rosalía de Castro hay Mariano José de Larra…

Hội họa Tây Ban Nha là một thành phần không thể thiếu của hội họa châu Âu và có tầm ảnh hưởng rất lớn. Do sự đa dạng về lịch sử, địa lý, văn hóa… hội họa Tây Ban Nha cũng chịu ảnh hưởng của rất nhiều những nền hội họa khác nhau như Pháp, Ý. Tây Ban Nha là quê hương của rất nhiều họa sĩ nổi tiếng toàn thế giới trong hai trường phái Baroque và hiện đại. Trường phái hội họa Baroque với những tên tuổi đình đám Diego Velázquez (1599-1660) và Francisco Goya (1746-1828). Đến thế kỉ XX, một trong những họa sĩ nổi tiếng toàn thế giới của Tây Ban Nha phải kể đến danh họa Pablo Picasso (1881-1973) cùng với Georges Braque, ông được coi là người đồng sáng lập của trường phái hội họa lập thể. Đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa siêu hiện là họa sĩ Salvador Dalí (1904-1989).

Kiến trúc Tây Ban Nha, cũng trải qua nhiều giai đoạn và chịu ảnh hưởng của nhiều phong cách khác nhau. Đồng thời, tác động đến kiến trúc của một số quốc gia trên thế giới. Dưới đế chế Hồi giáo, mà cụ thể là vương triều Umayyad, thành phố Cordoba được thành lập và trở thành một thủ đô văn hóa của người Hồi giáo. Phong cách kiến trúc Hồi giáo được du nhập vào Tây Ban Nha và để lại rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, tiêu biểu là cung điện Alhambra. Đặc biệt, các vương quốc Công giáo ở Tây Ban Nha cũng đã hình thành phong cách nghệ thuật của riêng mình. Ban đầu khác biệt với những phong cách kiến trúc châu Âu nhưng về sau hòa nhập vào các dòng kiến trúc La Mã và Gothic, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Bên cạnh đó, phải kể đến phong cách kiến trúc Mudéjar từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVII là kết quả của sự hòa trộn giữa các ảnh hưởng văn hóa của châu Âu và Ả Rập.

Bên cạnh đó, đế quốc Tây Ban Nha còn đặt nền móng cho thương mại toàn cầu bằng cách mở ra những tuyến thương mại xuyên đại dương nhằm thăm dò các lãnh thổ và đại dương chưa được biết đến. Do đó, đồng Dollar Tây Ban Nha đã trở thành đồng tiền toàn cầu đầu tiên trên thế giới.

Một bước ngoặt lớn giúp đế quốc Tây Ban Nha mở rộng bờ cõi là nhờ đóng góp rất lớn của Christopher Columbus. Với khát vọng chinh phục thế giới được nuôi dưỡng từ thuở thiếu thời, cùng những thay đổi về mặt địa lý đã thôi thúc Columbus không ngừng tìm tòi, học hỏi các ngoại ngữ, tìm hiểu ngành hàng hải nhằm thực hiện ước mơ khám phá nhiều vùng đất mới. Để thực hiện các chuyến thám hiểm của mình, Columbus đã nhiều lần vận động tài trợ nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng vào năm 1942, Hoàng hậu Isabella I đã chấp thuận tài trợ cho chuyến đi có một không hai trong lịch sử. Mục đích cuộc thám hiểm của Columbus là châu Á, điển hình là Ấn Ðộ và Trung Hoa - nơi có vô số kho vàng, ngọc trai, kim cương và gấm vóc. Vượt qua nhiều hiểm nguy, Columbus đã đi tới đảo Bahaman của Guannahani (châu Mỹ). Trong 4 chuyến vượt biển đến Tân thế giới, ông đã đặt chân lên nhiều hòn đảo như Cuba, Hispaniola và các bờ biển ở Trung và Nam Mỹ. Nhưng chủ đích của ông là đến châu Á và khi nhìn thấy miền đất này, ông đã tin tưởng cho tới ngày qua đời. Dẫu vậy, chuyến thám hiểm tìm ra châu Mỹ của Columbus đã tạo đà cho đế quốc Tây Ban Nha mở rộng phạm vi lãnh thổ, đồng thời khiến lịch sử châu Âu thay đổi; mở ra một trang mới cho châu Mỹ và thế giới.

Ngoài ra, trong quá trình xâm lược các thuộc địa người Tây Ban Nha mang về châu Âu những loại thực phẩm mới như dứa, cà chua, khoai tây, ớt ngọt, ca cao, hạt tiêu và hoa hướng dương…

(Đón đọc nội dụng tiếp theo: Đế quốc Tây Ban Nha - Từ gia tộc thất thế trở thành Đế quốc toàn cầu – Kỳ II)

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/de-quoc-tay-ban-nha-tu-gia-toc-that-the-tro-thanh-de-quoc-toan-cau-ky-i-1730828.tpo