Để rau quả Việt Nam vươn xa: Chất lượng là yếu tố quyết định
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả Việt Nam đang tạo nên cơn sốt trên thị trường quốc tế. Với sự đa dạng về chủng loại, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao, rau quả Việt Nam đã chinh phục hơn 60 thị trường khó tính.
Xuất khẩu chính ngạch không ngừng mở rộng
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới, đang là điểm đến ưa thích của nhiều loại trái cây Việt Nam như sầu riêng, chuối, xoài. Ngành hàng này đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, liên tiếp đạt 67% vào năm 2023 và 27% vào năm 2024, mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7,2 tỷ USD trong năm qua.
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả chính ngạch của Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể. Trong năm qua, thị phần rau quả Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Thái Lan cũng không ngừng mở rộng. Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh cùng với lợi thế từ 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hứa hẹn sẽ đưa rau quả Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, sang các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc lựa chọn 2 quốc gia này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro trong vận chuyển, mà còn tận dụng tối đa lợi thế của Hiệp định RCEP. Với dân số đông, thu nhập cao và nhu cầu tiêu dùng nông sản lớn, đặc biệt là trái cây, hai thị trường này đang trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng Việt. Ngược lại, chất lượng và sự đa dạng của trái cây đã khiến Việt Nam trở thành đối tác cung ứng được Nhật Bản và Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn. Việc mở rộng xuất khẩu bưởi sang Hàn Quốc là một ví dụ điển hình, giúp tận dụng lợi thế về logistics khi nguồn cung bưởi tại xứ sở kim chi chủ yếu đến từ Nam Mỹ”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết.
Việt Nam cũng hoàn toàn có thể mở rộng danh mục xuất khẩu với các loại rau quả khác mà người tiêu dùng Hàn Quốc và Nhật Bản ưa chuộng như ớt sạch, bơ, chanh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) nhận định, thời gian qua, nhận thức về chuỗi cung ứng rau quả đã có những chuyển biến tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp.
Cần kiểm soát tốt chất lượng
Ông Tùng cho biết, mặc dù Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để mở rộng diện tích trồng rau quả, song việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn là rào cản lớn. Điều này hạn chế việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, gây khó khăn trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao cho các cơ sở chế biến và thị trường. Bên cạnh đó, nông dân còn thiếu kiến thức cần thiết về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Bình cũng nhận định, hiện chất lượng và độ an toàn của rau quả Việt Nam còn nhiều hạn chế. Cụ thể, sản lượng chưa ổn định, mức độ an toàn thực phẩm chưa cao, tính tuân thủ các quy định chưa nghiêm ngặt, và mối liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng còn lỏng lẻo. Những yếu kém này có thể khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên thị trường quốc tế.
Trước thực tế này, theo ông Tùng, việc quản lý chất lượng ngay từ nguyên liệu đầu vào là yếu tố then chốt để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Việc định hướng cho nông dân về nhu cầu thị trường là vô cùng cấp thiết, nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá” và hạn chế việc sản xuất theo phong trào. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ và định hướng rõ ràng cho ngành rau quả. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.
Để bảo vệ và phát triển bền vững ngành rau quả Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận diện rõ các vấn đề ưu tiên cần giải quyết. Đầu tiên, không được chủ quan với những thành quả đã đạt được; khắc phục những điểm yếu về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm, tìm kiếm các công nghệ sau thu hoạch tốt nhất nhằm giảm bớt tỷ lệ thiệt hại của rau, quả, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của các doanh nghiệp ở các thị trường trong nước và ngoài nước. Hiệp hội đề nghị Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành rau quả phát triển bền vững. Cụ thể, cần đẩy mạnh đàm phán, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho nhiều loại rau quả Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thị trường lớn và truyền thống.
“Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đẩy nhanh tiến độ để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia đối với các mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực là rất cần thiết để bảo vệ uy tín và nâng cao giá trị của nông sản Việt”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.