SJC kinh doanh ra sao dưới thời bà Lê Thúy Hằng

Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), bị khởi tố về tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'. Khi công tác tại SJC, bà từng nhận mức lương hơn 550 triệu đồng/năm.

Bà Lê Thúy Hằng khi còn công tác tại SJC.

Bà Lê Thúy Hằng khi còn công tác tại SJC.

Hé lộ mức lương “khủng” của cựu sếp SJC

Liên quan vụ án tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 6 người về hai tội danh: tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đó có bà Lê Thúy Hằng, sinh năm 1970, tổng giám đốc SJC, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trước đó, bà Lê Thúy Hằng được UBND TP.HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty SJC từ tháng 12/2019, thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Cựu tổng giám đốc SJC sinh năm 1970, quê Hải Phòng. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty SJC, bà giữ chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách; Phó tổng giám đốc Công ty SJC.

Báo cáo của SJC ghi nhận thời điểm giữ chức Tổng giám đốc, bà Hằng có lương cao chỉ sau Chủ tịch Công ty SJC là ông Trần Văn Tịnh. Cụ thể, năm 2022, bà Hằng được tính toán mức lương là hơn 547 triệu/năm và năm 2023 có mức lương 552 triệu/năm, chưa tính tiền thưởng và các thu nhập khác.

Chủ tịch Công ty SJC là ông Trần Văn Tịnh có mức lương hơn 574 triệu đồng/năm.

Doanh thu trồi sụt

Kể từ khi bà Hằng nhậm chức (năm 2019), doanh thu của Công ty SJC luôn ở mức hàng chục nghìn tỷ đồng. Doanh thu cao nhất đạt được vào năm 2023 với hơn 28.400 tỷ đồng. Thế nhưng, kể từ năm 2014 đến nay, lợi nhuận của SJC chưa từng vượt ngưỡng trăm tỷ đồng dù doanh thu báo cáo là hàng nghìn tỷ đồng.

Nhìn về quá khứ xa hơn, kết quả kinh doanh của SJC ghi nhận nhiều sự thay đổi lớn kể từ năm 2013.

Năm 2012, SJC từng có mức doanh thu hơn 72.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 300 tỷ đồng. Nhưng kể từ năm 2013 đến nay, doanh thu hàng năm chỉ bằng 40-50% năm 2012, quanh mốc 20.000-30.000 tỷ đồng, lợi nhuận nhiều năm liền không chạm mốc 100 tỷ đồng.

Tính riêng năm 2023, dù ghi nhận doanh thu hơn 28.100 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán hàng của công ty đã chiếm tỷ lệ 99% doanh thu. Do đó, lợi nhuận gộp chỉ có hơn 241,6 tỷ đồng (thấp hơn 8 tỷ đồng so với năm 2022), tương đương biên lãi gộp 0,85%.

Đồ họa: Thiên Quang.

Đồ họa: Thiên Quang.

Cùng với đó, chi phí bán hàng của doanh nghiệp năm 2023 là hơn 52 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27% lên 115 tỷ đồng do thêm khoản chi cho nhân viên.

Sau khi trừ đi các chi phí, công ty báo lãi trước thuế năm 2023 đạt 88 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2022 - mức lợi nhuận cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 61 tỷ đồng, tăng 24%. So với kế hoạch đề ra, công ty này thực hiện hơn 93% chỉ tiêu doanh thu, vượt 7,4% về lợi nhuận.

Trong một cuộc họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM vào giữa tháng 5/2024, cựu Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng cho biết công ty không hưởng lợi ích khi được chọn là đơn vị độc quyền vàng miếng, thương hiệu quốc gia.

Bà Hằng cho biết trước năm 2012, vốn sở hữu của Công ty SJC là 400 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng hơn 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau 2012, mức lãi của công ty sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng.

Lợi nhuận sụt giảm do công ty không được sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên kiện. Công ty chuyển hướng kinh doanh vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, Công ty SJC gặp không ít khó khăn do cạnh tranh với các đơn vị đi trước.

Năm 2024, Công ty SJC đặt mục tiêu sản xuất 31.692 lượng vàng miếng, gần 445.000 món nữ trang. Kế hoạch tổng doanh thu dự kiến là 30.145 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế hơn 70 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 15% so với thực hiện năm trước. Nếu kế hoạch này đạt được, công ty sẽ có năm doanh thu kỷ lục còn lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.

SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn, do UBND TP.HCM quản lý. Từ năm 2012, doanh nghiệp này được Ngân hàng Nhà nước chọn là đơn vị sản xuất độc quyền vàng miếng và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC.

Hệ thống kinh doanh của công ty bao gồm 23 chi nhánh, 6 công ty con, 43 đại lý chính thức và khoảng 3.000 cửa hàng liên kết trên cả nước. Tính đến cuối năm 2023, SJC có khoảng 480 nhân viên.

Về biến động nhân sự, ngày 18/10/2024, UBND TP.HCM đã bổ nhiệm ông Đào Công Thắng làm Quyền tổng giám đốc SJC. Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2023, ông Thắng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc, và được tái bổ nhiệm từ 30/7/2019.

Thiên Quang

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/sjc-kinh-doanh-ra-sao-duoi-thoi-ba-le-thuy-hang-post181651.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat