Dễ rước họa vào thân vì like, share dạo

Người dùng mạng xã hội cần có trách nhiệm hơn trong mỗi lượt share, mỗi cú nhấn like; tránh chuyện 'tay nhanh hơn não', dễ dính vào rắc rối pháp lý, bị phạt nặng hoặc thậm chí phải đối diện với chuyện tù tội.

Bảy năm trước, trong một đợt tham gia tập huấn về an toàn thông tin trên mạng, chuyên gia của một tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới truyền đạt cho các học viên câu chuyện về “nút like và nút share tai hại” của Facebook.

Chuyên gia kể: Có một người sắp xuất cảnh sang quốc gia khác để định cư và mọi hồ sơ, thủ tục đã gần như hoàn tất. Thế nhưng sau buổi phỏng vấn để quyết định, nhân viên phỏng vấn đã từ chối hồ sơ, không cho người này định cư vào quốc gia của họ. Lý do là nhân viên phát hiện tài khoản Facebook của người được phỏng vấn đã bấm like cho một bài viết có nội dung bị cấm kỵ ở nước họ nên hồ sơ định cư bị từ chối.

Vị chuyên gia truyền thông đưa ra tình huống trên để các học viên nhận thức rõ hơn về tác hại của việc “like dạo”, share mà không đọc nội dung, vô tình rơi vào bẫy của tin giả.

 Nam thanh niên ở Bình Dương làm việc với cơ quan chức năng vì đăng tin giả. Ảnh: CA

Nam thanh niên ở Bình Dương làm việc với cơ quan chức năng vì đăng tin giả. Ảnh: CA

Chuyên gia chia sẻ câu chuyện trên tại thời điểm ở Việt Nam (VN), Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực, chưa có Nghị định 15/2020 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022); chưa có Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) của Bộ TT&TT (kèm theo Quyết định 874 ngày 17-6-2021 của bộ trưởng Bộ TT&TT)… Tại VN, thời điểm đó, người dùng MXH chưa bùng nổ như hiện tại và việc cơ quan chức năng xử lý người like, tạo, share tin giả chưa nhiều như bây giờ.

Có thể khẳng định rằng hiện chúng ta đã có gần như đầy đủ các quy định, hướng dẫn, cách thức ứng xử văn minh trên MXH cũng như các chế tài liên quan đến hành vi like, share, tạo tin giả, xuyên tạc ở đủ các cấp độ từ dân sự đến xử lý hành chính, hình sự tùy theo mức độ tác hại của thông tin bị lan truyền.

Thế nhưng gần đây trên MXH lan truyền clip “Phú Lê đánh bạc”, lan truyền dày đặc các thông tin về “bắt cóc trẻ em”, thông tin giả, xuyên tạc về Nghị định 168/2024 và nhiều thông tin giật gân khác mà người đăng tải để ở chế độ công khai hoặc truyền nhau qua các hội nhóm kín. Các thông tin này được like, share và lan truyền rất nhanh, gây hoang mang dư luận cũng như tác động rất xấu đến xã hội.

Công an nhanh chóng vào cuộc, làm việc với những người tạo, share các thông tin giả, xấu, độc và đã có hàng chục trường hợp bị xử lý.

Với clip “Phú Lê đánh bạc”, người đăng tải thông tin này thừa nhận đã dàn dựng cảnh đánh bạc dưới hình thức chơi bầu cua tôm cá rồi đăng tải lên MXH để thu hút cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ nhằm câu like, câu view. Công an xác định hành vi này gây hoang mang dư luận, kích động tệ nạn xã hội, đánh bạc nên đã ra quyết định xử phạt.

Tương tự, những người đưa tin giả “trẻ em bị bắt cóc” cũng đã bị công an mời đến xử lý. Riêng hành vi “like dạo” mà chưa share tin giả thì chưa thấy công an xử phạt mà chỉ cảnh báo cho người dùng MXH, trừ like và share các tin giả có chủ đích chống phá Nhà nước, chính quyền.

Tuy nhiên, hành vi share các thông tin giật gân, gây hoang mang dư luận không phải không có chế tài vì Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022) nêu rõ: Người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền…

Một cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng chia sẻ: Tùy tính chất, mức độ nghiêm trọng của thông tin, công an sẽ làm việc để xác định nhận thức, ý thức, động cơ của người like, share tin giả để có cách xử lý thấu tình đạt lý, chủ yếu là giáo dục, tuyên truyền, răn đe người vi phạm.

Có nghiên cứu chỉ ra rằng những người like, share mà không đọc nội dung, không đánh giá đúng/sai của thông tin là họ thổi phồng sự hiểu biết của bản thân, vô tình gây ra những hậu quả tệ hại. VN hiện có khoảng 80 triệu người sử dụng MXH, đồng nghĩa với việc họ được tạo, lan truyền tin tức nhưng không phải lúc nào cũng được trang bị đủ kỹ năng để đánh giá đúng/sai của thông tin.

Vậy nên nếu không chia sẻ được những thông tin tích cực thì khi tham gia, sử dụng MXH, người dùng nên nhớ lời khuyên trong Bộ Quy tắc ứng xử của Bộ TT&TT, rằng chỉ chia sẻ thông tin có nguồn chính thống, đáng tin; có ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc VN. Người dùng MXH cần có trách nhiệm hơn trong mỗi lượt share, mỗi cú nhấn like; tránh chuyện “tay nhanh hơn não”, dễ dính vào rắc rối pháp lý, bị phạt nặng hoặc thậm chí phải đối diện với chuyện tù tội.

VI TRẦN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-ruoc-hoa-vao-than-vi-like-share-dao-post835737.html