Để sâm Việt Nam vươn tầm thế giới
Đã có nhiều mô hình thí điểm cho thấy cây sâm Việt Nam có thể trồng được ở nhiều nơi, nhiều địa phương và với cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay, góp sức từ các nhà khoa học, các doanh nghiệp thì chắc chắn kỳ vọng phát triển đưa cây sâm Việt Nam vươn tầm thế giới hoàn toàn khả thi.
Xây dựng thương hiệu quốc tế cho sâm Việt Nam
Ðể phát triển sâm thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, ngày 01/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 611/QÐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, chương trình nêu rõ quan điểm: Triển khai chương trình đồng bộ, từ phát triển vùng nguyên liệu đến chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cùng từng vùng, từng địa phương.
Phát triển sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, đưa sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược; chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với bảo hộ thương hiệu sâm Việt Nam.
Việc nuôi, trồng, phát triển sâm Việt Nam trong môi trường rừng được yêu cầu phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đi đôi với việc bảo tồn tại chỗ nguồn gen sâm Việt Nam; sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng, không làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm chức năng rừng.
Chương trình đặt mục tiêu: Đến năm 2030, bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; sản lượng khai thác từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO hoặc tương đương… Đến năm 2045, phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Lai Châu vào trung tuần tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm khu trồng sâm của một doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Lai Châu có nguồn giống sâm quý nên việc bảo tồn, phát triển là việc làm hết sức cần thiết. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh “chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần thực hiện tốt liên kết "4 nhà" trong phát triển và xây dựng "thương hiệu" sâm Lai Châu, để cây sâm sẽ tạo nguồn thu nhập, tạo động lực trong phát triển kinh tế cho đồng bào địa phương”.
Thời gian qua, Lai Châu cũng đã triển khai các hoạt động bảo tồn, phát triển sâm Lai Châu như: xác định khu vực phân bố tự nhiên, mô tả đặc điểm hình thành và sinh thái học của cây sâm Lai Châu; xác định 30.000ha diện tích đất, rừng phù hợp, trong đó 17.000ha rất phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của cây sâm Lai Châu. Đã có trên 60ha trồng tập trung và một số diện tích trồng phân tán dưới tán rừng của 19 tổ chức, 217 hộ gia đình, cá nhân…
Cần sự chung tay của nhiều bên
Từ năm 2010, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã thực hiện thí điểm trồng sâm Ngọc Linh tại Sa Pa, cây phát triển tốt cho ra hoa, hạt. Năm 2012, vườn đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép phát triển dự án bảo tồn và phát triển nguồn gen cây tam thất hoang, đưa ra quy trình và tạo ra vườn giống gốc, cây phát triển tốt.
Năm 2018, Viện đưa ra đề xuất thí điểm trồng cây dược liệu ở Ô Quy Hồ, tập trung chính vào 4 loài sâm, trong đó có sâm Ngọc Linh. Trong đó, dự án hợp tác với vườn trồng thí điểm cây sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu) của Công ty Cổ phần Onplaza Quang Minh tại Ô Quy Hồ bước đầu đạt kết quả tốt. Hiện nay, trên cơ sở đó, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Lào Cai đã trực tiếp khảo sát, cho thấy là mô hình đúng hướng, giúp tạo việc làm cho người dân, góp phần bảo vệ rừng và phát triển kinh tế, sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Trao đổi với ông Đào Văn Quang - Đại diện Công ty Onplaza Quang Minh cho biết, từ nhiều năm nay, ông đã lặn lội khắp các vùng từ Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam để thăm và tìm hiểu nhiều mô hình trồng sâm ở các địa phương này, cũng như xác định xây dựng vùng nguyên liệu cho việc sản xuất quy mô và chuyên sâu khi nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai. Từ đó, ông Quang đã nảy sinh ý định tiên phong đưa cây sâm “vượt rào” về những địa phương khác, có cùng điều kiện thổ nhưỡng tương tự để trồng và phát triển mô hình kinh doanh.
Đơn cử, từ năm 2018, ông Quang đã chọn vùng núi Văn Chấn, Yên Bái để trồng thí điểm, đến nay đã phát triển được khoảng 3 - 5ha. Còn tại dự án trồng thí điểm ở Ô Quy Hồ như nêu trên, bước đầu được đánh giá cao, cây sâm thích ứng với khí hậu và thổ nhưỡng, đủ điều kiện để nhân rộng mô hình trên diện tích lớn hơn. Qua đó đã chứng minh thực tiễn, chỉ cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoàn toàn có thể di thực trồng cây sâm ở nhiều vùng địa lý tương tự.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, đại diện HTX dược liệu Tuấn Thu (Yên Bái) - một trong những đơn vị tiên phong đưa cây sâm Việt Nam về trồng thí điểm tại địa phương cho rằng, nếu có chính sách tốt hỗ trợ theo chương trình đề án phát triển cây sâm Việt Nam của Nhà nước, cộng với việc hỗ trợ giống, kỹ thuật và đầu ra từ doanh nghiệp, tạo được việc làm, nguồn thu ổn định thì các chắc chắn việc xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững và phát triển cây sâm sẽ không còn manh mún, nhỏ lẻ.
Đánh giá về tiềm năng và quy mô phát triển sâm Việt Nam, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ông Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, phát triển cây sâm Việt Nam thì khu vực rừng Hoàng Liên Sơn chính là trọng tâm vùng dược liệu, có tiềm năng rất lớn. Qua khảo cứu, rừng Hoàng Liên Sơn, đặc biệt khu vực Fansipang, có rất nhiều cây thuốc có giá trị về dược liệu, một số loài đặc hữu như tam thất hoang, hoàng tinh hoa đỏ…, thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng các loài cây ở đây có tính dược liệu vượt trội.
“Hiện Nhà nước đã ban hành cơ chế, chính sách về phát triển cây sâm Việt Nam rộng mở, do đó rất cần sự phối hợp của các nhà khoa học chuyển giao công nghệ và kỹ thuật, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ vốn, đầu ra sản phẩm… và Nhân dân cùng hợp tác thì chắc chắn câu chuyện thành công trong tương lai sẽ là tất yếu” - ông Hạnh khẳng định.
Tỉnh Kon Tum, tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh toàn tỉnh là gần 1.200ha với khoảng 25 triệu cây, sản lượng ước đạt hơn 200 tấn; ngoài ra còn có gần 900ha rừng có trồng sâm Ngọc Linh dưới tán, dự kiến thu hoạch hạt để sản xuất được 6,2 triệu cây giống mỗi năm. Trong danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có 7 dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh.
Tỉnh Lai Châu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, độ cao phù hợp trồng sâm được xác định vào khoảng 30.000ha. Trong đó có 17.000ha có điều kiện rất thích hợp phát triển sâm, tập trung ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh. Tỉnh hiện có hơn 20 doanh nghiệp, HTX đang đầu tư trồng, phát triển cây sâm. Ngoài ra, có hàng trăm hộ dân ở các địa phương tham gia liên kết hoặc tự trồng với tổng diện tích đã trồng được hơn 35ha.
Tính đến nay, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam đã được xác định là 15.567ha (trong đó từ độ cao 2.000m trở lên là 2.238ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000m là 13.329ha).
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-sam-viet-nam-vuon-tam-the-gioi-post517930.html