Để sản phẩm vùng đồng bào dân tộc tham gia vào chuỗi cung ứng
Thời gian qua, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước tiến quan trọng trong việc kết nối vào các kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, việc kết nối, phát triển thị trường mới chỉ đáp ứng được phần nào. Do đó, cần có thêm nhiều giải pháp để các sản phẩm này có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng tại thị trường trong và ngoài nước.
Xây dựng sản phẩm đặc trưng
Là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, cùng với chính sách của Nhà nước, tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành những chính sách và các cơ chế đặc thù, kế hoạch, các quy hoạch để tổ chức thực hiện như: Kế hoạch hành động về phát triển chuỗi giá trị của cây hồi; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến hàng xuất khẩu; chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực của tỉnh...
Hiện nay, Lạng Sơn có 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có các sản phẩm đặc trưng như quýt vàng Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên, na Chi Lăng, hoa hồi, thạch đen… Đến nay, Lạng Sơn đã có trên 94 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, các hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung thường niên do Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bằng Tường (Trung Quốc) tổ chức đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh trưng bày, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước, cũng như tại thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ câu chuyện đồng hành với một sản phẩm tiềm năng của đồng bào dân tộc miền núi, ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho biết, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu trà, hơn 200.000 tấn/năm, nhưng giá trà đang rất rẻ so với thế giới. Do đó cần có một chiến lược quốc gia về trà, để cho trà Việt có một vị thế mới. Theo ông Hiếu, một vùng nghèo ở trên đỉnh núi cao như vậy mà đã đạt được OCOP 4 sao và đang trên lộ trình phấn đấu lên 5 sao đã có chứng nhận ECOCERT, tiêu chuẩn ORGANIC của châu Âu, tức là mình có giấy thông hành đi ra được 26 nước trên thế giới có chỉ dẫn địa lý, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất.
Trong khi đó, tỉnh Cao Bằng cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ ong, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật đang mở ra hướng phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo cho nhiều nông hộ tại tỉnh Cao Bằng. Năm 2023, lần đầu tỉnh Cao Bằng có hai sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đó là mật ong Đoàn Linh, ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình và mật ong Hoàng Tung, ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm mật ong tại địa phương, từ đó, tiếp tục mở rộng thị trường.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường trong nước và quốc tế đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm có yếu tố văn hóa đặc trưng và đồng bào dân tộc thiểu số đã có những bản sắc, là những viên ngọc quý thô đang được mài giũa để giới thiệu với người tiêu dùng.
Nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng ổn định
Trên thực tế, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất, đồng thời góp phần quan trọng vào hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương của đồng bào dân tộc miền núi đã được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị như các siêu thị như Coop mart, Hapro… Nhiều sản phẩm miền núi như nông sản Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn… đã xuất khẩu thành công ra nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn có khó khăn. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, trước hết, các sản phẩm của bà con chủ yếu mang tính chất thời vụ, do vậy việc cung cấp thường xuyên cũng bị hạn chế. Một số loại sản phẩm số lượng chưa lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu của các thị trường lớn ở trong nước cũng như thị trường quốc tế. Các cơ sở sản xuất, chế biến chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy công nghệ chế biến và hoạt động sản xuất vẫn còn hạn chế, dẫn tới việc chất lượng sản phẩm có những lúc chưa được ổn định.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Trần Hoàng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội cho rằng, điểm yếu của nguồn nông sản này là vấn đề nguồn hàng và sản lượng. Vì vậy, nhu cầu của thị trường hiện nay đối với sản phẩm đặc sản vùng miền và sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khu vực miền núi, đồng bào dân tộc chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ nên lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn. “Khi nhu cầu của khách hàng tăng cao, muốn đặt hàng thêm, nhà cung cấp sẽ khó đảm bảo được sản lượng. Do đó chúng tôi mong muốn nhà sản xuất sẽ chủ động hơn trong việc dự báo nhu cầu thị trường để có sản lượng phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”, ông Hoàng cho hay.
Đối với những hợp tác xã hoặc nhà sản xuất ở đồng bào dân tộc miền núi, quá trình vận chuyển hàng hóa về những điểm giao hàng, bán hàng của hệ thống đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt những sản phẩm rau lá, hoa quả... nhanh hỏng hoặc chất lượng bị suy giảm do giao thông không thuận lợi. Do đó, ông Trần Hoàng đề xuất hỗ trợ về logistics, vận chuyển, hậu cần… của nhà sản xuất, nhà cung ứng để tránh việc sản phẩm ở khu vực có chất lượng tốt, nhưng khi đến tay người tiêu dùng không giữ được chất lượng như ban đầu.