Để sản xuất vụ Đông an toàn, hiệu quả

Vụ đông là vụ sản xuất cây hàng hóa lớn nhất trong năm mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Tuy nhiên trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như năm nay thì làm thế nào để có một vụ đông an toàn và hiệu quả, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lã Quốc Tuấn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) về vấn đề này.

Kỹ sư Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân huyện Yên Mô các biện pháp bảo vệ cây rau trong điều kiện thời tiết mưa nhiều. Ảnh: Hà Phương

Kỹ sư Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân huyện Yên Mô các biện pháp bảo vệ cây rau trong điều kiện thời tiết mưa nhiều. Ảnh: Hà Phương

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về tiềm năng, hiệu quả mà vụ Đông đem lại?

Đồng chí Lã Quốc Tuấn: Vụ Đông là một vụ sản xuất đặc thù và lợi thế của các tỉnh phía Bắc. 3, 4 tháng mùa Đông lạnh với chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú đa dạng về chủng loại cây trồng. Ở vụ sản xuất này, chúng ta có thể gieo trồng cả nhóm rau màu ưa ấm, nhóm ưa lạnh và nhóm trung tính.

Đặc biệt, cây vụ Đông có thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, nhiều loại có thể đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu như: Ngô ngọt, đậu tương rau, khoai tây, rau chân vịt… Không ít vùng, nông dân có truyền thống và trình độ thâm canh cao, chỉ cần làm vụ Đông trên dưới 3 tháng đã có khoản thu nhập gấp 3-5 lần cả năm làm lúa.

Chính vì vậy, nhiều năm nay, vụ Đông luôn được xác định là vụ sản xuất quan trọng, cung cấp nhiều nông sản hàng hóa mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp. Minh chứng như trong vụ Đông năm 2023, toàn tỉnh chỉ gieo trồng 7.660 ha cây trồng nhưng tổng giá trị sản xuất ước đạt tới hơn 1.026 tỷ đồng, như vậy, bình quân 1 ha cây vụ Đông cho giá trị lên tới 134,03 triệu đồng (gấp 2-2,5 lần so với cây lúa).

Nhiều cây trồng có giá trị thu nhập trên ha canh tác đặc biệt cao như: hoa các loại hơn 600 triệu đồng, Ớt cay 382 triệu đồng, Khoai tây gần 200 triệu đồng, rau các loại 180 triệu đồng, khoai sọ khoảng 150 triệu đồng...

Phóng viên: Rõ ràng hiệu quả kinh tế mà vụ Đông đem lại rất tốt, tại sao những năm gần đây diện tích cây vụ Đông lại liên tục giảm? Đồng chí có thể lý giải về điều này?

Đồng chí Lã Quốc Tuấn: Diện tích cây vụ Đông có xu hướng giảm một phần là do diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị. Hơn nữa, gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết luôn diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, phát triển cây Đông, nhiều năm đầu vụ có mưa lớn, nông dân phải gieo trồng đi gieo trồng lại dẫn đến tâm lý chán nản.

Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao, trong khi đó "đầu ra" sản phẩm nông sản bấp bênh, nên chưa khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh. Một vấn đề khác là, những năm gần đây, với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, thu hút một lực lượng lớn lao động trẻ vào làm việc tại các doanh nghiệp, vì vậy, lao động nông thôn giảm cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trở ngại lớn nhất cho sản xuất nông nghiệp nói chung, vụ Đông nói riêng trên địa bàn tỉnh là đất đai vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hình thành vùng sản xuất lớn.

Chăm sóc cây vụ Đông tại phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Anh Tuấn

Chăm sóc cây vụ Đông tại phường Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Anh Tuấn

Phóng viên: Như vậy, sản xuất nông nghiệp nói chung và cây vụ Đông nói riêng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vụ Đông năm nay, ngay từ những ngày đầu, thời tiết đã rất cực đoan, mưa lớn kéo dài... Khó chồng khó, vậy về phía cơ quan chuyên môn đã có những giải pháp và khuyến cáo gì nhằm giúp bà con nông dân có một vụ sản xuất an toàn, hiệu quả?

Đồng chí Lã Quốc Tuấn: Đợt mưa lớn nửa cuối tháng 7 làm nhiều diện tích lúa Mùa bị ngập úng, kéo dài thời gian sinh trưởng, phát triển, nhất là diện tích lúa phải gieo cấy lại, dẫn đến thời gian thu hoạch muộn. Điều này ảnh hưởng nhất định đến thời vụ gieo trồng của cây vụ Đông ưa ấm.

Thêm nữa là từ đầu tháng 9 đến nay, thời tiết lại liên tục có mưa lớn, làm cho nhiều cánh đồng bị ngập úng, đất bết dính và đến nay thì hầu hết các cây vụ Đông đều chưa thể xuống giống được. Các diện tích đã xuống giống thì cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, cây trồng sinh trưởng, phát triển chậm.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thì vẫn có những thuận lợi khi dự báo, cuối tháng 9, đầu tháng 10, thời tiết seỗ̉n định hơn, không còn mưa nhiều nữa. Đặc biệt, hiện nay nông dân đang đứng trước cơ hội về thị trường bởi sau cơn bão Yagi và mưa lũ, nhiều vùng trồng rau tập trung ở miền Bắc, miền Trung gần như bị "xóa sổ" và chưa thể khắc phục kịp nên nguồn cung đang bị thiếu hụt. Vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo đón thời cơ về thị trường, tăng tối đa diện tích nếu có thể.

Tuy nhiên có một vài điểm cần lưu ý: Thứ nhất là trên cơ sở đất đai, địa hình cao hay thấp trũng và kinh nghiệm sản xuất của bà con nông dân tại từng địa phương… nên xác định rõ gieo trồng cây gì, trên loại đất nào và gieo trồng vào thời điểm nào là an toàn nhất để ít bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi, nhất là mưa và ngập úng, gieo trồng cây gì thì phải ăn chắc cây đó.

Thứ hai là năm nay dự báo không khí lạnh sẽ hoạt động sớm hơn so với mọi năm, do vậy, bà con phải tuyệt đối tuân thủ lịch thời vụ. Các loại cây ưa ấm như ngô các loại, bí xanh, bí đỏ, lạc... phải trồng xong trước ngày 5/10, nếu kéo dài thêm sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất sau này.

Với điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay, bà con có thể căn cứ vào thời gian dự kiến thu hoạch trà lúa Mùa sớm để bô cây con trước vừa an toàn vừa tranh thủ được thời vụ. Cùng với đó, áp dụng các biện pháp kỹ thuật gieo trồng bằng phương pháp che phủ rơm rạ, nilon mặt luống; sử dụng vòm che thấp trong sản xuất cây giống và rau ăn lá ngắn ngày để hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, giữ ẩm đất.

Ngoài ra, trước khi bước vào sản xuất vụ Đông, các cơ sở sản xuất và chính quyền các địa phương cần giúp người dân tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách liên kết với doanh nghiệp, hãy coi doanh nghiệp là người đỡ đầu. Đồng thời sản xuất phải theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường (Viet GAP, Global GAP) hoặc theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đặt hàng.

Về phía cơ quan chuyên môn, chúng tôi đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác khuyến nông; dự báo, dự tính phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ thực vật. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo mối liên kết giữa nông dân, nhà nước, khoa học kỹ thuật và doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Lựu (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-san-xuat-vu-dong-an-toan-hieu-qua/d2024092616489512.htm