Để sáp nhập trường cao đẳng vào trường đại học không là phép cộng cơ học

Sáp nhập trường cao đẳng vào trường đại học hay trường đại học, cao đẳng trở thành phân hiệu của ĐH quốc gia, ĐH vùng đang là xu hướng hiện nay.

Hội thảo “Giáo dục STEAM trong Giáo dục mầm non” của Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Long An dành cho giảng viên, sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học. Ảnh: NTCC

Hội thảo “Giáo dục STEAM trong Giáo dục mầm non” của Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Long An dành cho giảng viên, sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học. Ảnh: NTCC

Làn sóng sáp nhập

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương và Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào 2 trường đại học.

Theo đó, tại Quyết định 1652, ngày 26/12, Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương trực thuộc UBND tỉnh Hải Dương vào Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương trực thuộc Bộ Y tế. Thủ tướng giao Bộ Y tế và UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng nhân sự, tài chính, tài sản, người học của Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương vào Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương theo quy định của pháp luật.

Tại Quyết định 1653, ngày 26/12, Thủ tướng quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An, trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo hai trường và các cơ quan, đơn vị thực hiện bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng nhân sự, tài chính, tài sản, người học của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

Trước đó, tháng 6/2023, Trường Cao đẳng Hải Dương sáp nhập vào Trường Đại học Hải Dương. Mục tiêu của việc sáp nhập là xây dựng một trường đại học đa ngành, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trường Đại học Hải Dương được định hướng trở thành trung tâm đào tạo trọng điểm, đặc biệt trong các lĩnh vực sư phạm, kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây cũng được sáp nhập vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trực thuộc UBND TP Hà Nội theo Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 12/5/2023. Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận được sáp nhập vào Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận. Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện thủ tục sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk…

Nhiều trường đại học khác đã sáp nhập trường cao đẳng trở thành phân hiệu như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện thủ tục để thành lập phân hiệu tại Bình Phước trên cơ sở tiếp nhận Trường Cao đẳng Bình Phước.

 Trường Đại học Nghệ An trao học bổng cho học sinh Trường THPT Thanh Chương 1 (Nghệ An) trong Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh năm học 2025. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Nghệ An trao học bổng cho học sinh Trường THPT Thanh Chương 1 (Nghệ An) trong Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh năm học 2025. Ảnh: NTCC

Bài toán sau sáp nhập

Ngày 12/6/2023, phát biểu tại Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, sự sáp nhập này không chỉ là dấu cộng mang tính cơ học mà để phát huy thế mạnh của hai nhà trường, tinh gọn đầu mối và xây dựng trở thành trường đại học đào tạo đa ngành, trọng điểm của tỉnh Hải Dương và khu vực.

Sau sáp nhập, năm học 2023 - 2024 đánh dấu những thành công vượt bậc của Trường Đại học Hải Dương trên nhiều phương diện như, nhà trường mở thêm 14 ngành đào tạo đại học mới, thể hiện sự năng động trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội và thị trường lao động. Công tác tuyển sinh đạt kết quả ấn tượng với hơn 2.500 sinh viên nhập học, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước sáp nhập.

TS Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết: “Quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập chắc chắn gặp một số khó khăn, nhất là vấn đề tinh thần, tư tưởng của cán bộ, giảng viên nên cần sự đồng lòng và phối hợp giữa các đơn vị để có thể hoàn thiện sớm nhất công tác tổ chức”.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết, qua các phiên làm việc của UBND tỉnh với 2 đơn vị chuẩn bị sáp nhập thì đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An đa phần là thạc sĩ, tiến sĩ.

“Đây là một thuận lợi để đáp ứng yêu cầu tối thiểu trong tiêu chí của mô hình trường đại học. Tuy nhiên, điều này mới chỉ đáp ứng yêu cầu mở ngành Sư phạm mầm non và tiểu học. Về lâu dài, sau khi thực hiện sáp nhập phải có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ để đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường, mở mã ngành mới…”, TS Nguyễn Đình Tường cho biết.

Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đề xuất tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ ít nhất trong 3 - 5 năm đầu để thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư. “Hiện, việc chi trả lương cho đội ngũ giáo viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An hoàn toàn là từ nguồn chi ngân sách của UBND tỉnh. Trong thời gian đầu, chúng tôi mong muốn cơ chế trả lương này vẫn được duy trì để tránh xáo trộn”, TS Nguyễn Đình Tường đề xuất.

Ngày 3/1, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Bà Nguyễn Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, thành lập phân hiệu không chỉ kế thừa những truyền thống tốt đẹp của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, mà còn mở ra nhiều cơ hội học tập mới cho thế hệ trẻ địa phương, phát huy vai trò, năng lực hiện có của 2 ngôi trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên ở Gia Lai và khu vực Tây Nguyên tiếp cận với giáo dục đại học chất lượng cao mà không phải di chuyển xa, giúp tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương nhiều năm không đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Do đó, khả năng tiếp tục duy trì và mở rộng đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp gặp nhiều khó khăn. Dự báo những năm sắp tới, Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương không thể đáp ứng được yêu cầu tự chủ tài chính, không đủ điều kiện hoạt động tiếp.

Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phương án phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục - đào tạo, trong đó những năm tiếp theo củng cố và phát triển Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương mà không còn Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương. Vì vậy, việc sáp nhập là cần thiết.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-sap-nhap-truong-cao-dang-vao-truong-dai-hoc-khong-la-phep-cong-co-hoc-post714942.html