Tiếng Anh là môn thi thứ 3 vào lớp 10 của học sinh Tp Hồ Chí Minh
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026 tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra đầu tháng 6/2025 với 3 môn thi gồm Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ.
Trưa 8/1, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có thông tin chính thức về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026 trên địa bàn. Theo đó, kỳ thi năm nay giữ nguyên 3 môn thi bắt buộc như các năm trước là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ.
Trong đó, hai môn Ngữ văn và Toán có thời gian làm bài 120 phút, riêng môn Ngoại ngữ có thời gian làm bài 90 phút.
Thời gian diễn ra kỳ thi dự kiến vào đầu tháng 6/2025.
Trước đó, cấu trúc và yêu cầu đánh giá của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025 - 2026 đã được Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh công bố.
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn
Câu hỏi đọc hiểu có nguồn trích dẫn là ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Văn bản được trích dẫn thuộc một trong hai loại là văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin. Tổng độ dài của các ngữ liệu trong đề thi không quá 1.300 chữ.
Ở phần viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), thí sinh thực hiện một trong hai yêu cầu cần đạt sau: viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ hoặc một đoạn thơ hoặc viết đoạn văn phân tích nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm.
Ở phần viết bài văn, thí sinh thực hiện một trong hai yêu cầu cần đạt sau: viết bài văn nghị luận về một vấn đề của đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó, nêu được lý lẽ và bằng chứng thuyết phục hoặc viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết, trình bày giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn gồm 2 phần: Phần 1 (5,0 điểm): Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn. Trong đó, câu 1 (3,0 điểm) là đọc hiểu và câu 2 (2,0 điểm) yêu cầu viết đoạn văn.
Phần 2 (5,0 điểm): Đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin và viết bài văn nghị luận xã hội. Trong đó, câu 1 (1,0 điểm) là đọc hiểu và câu 2 (4,0 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội.
Cấu trúc đề thi môn Toán
Các mạch kiến thức gồm: hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Nội dung kiểm tra nhằm mục đích đánh giá các năng lực toán học: Tư duy và lập luận toán học; Giải quyết vấn đề toán học; Mô hình hóa toán học.
Đề thi nhằm đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế, khuyến khích tăng cường việc tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học tủ, học vẹt.
Cấu trúc đề thi gồm 7 bài. Trong đó: Bài 1 (1,5 điểm) có định dạng "Cho hàm số y = ax2" . Thí sinh vẽ đồ thị (P) của hàm số trên và tìm những điểm thuộc (P) thỏa điều kiện cho trước.
Bài 2 (1 điểm) có định dạng "Cho phương trình bậc hai ax2 + bx + c = 0". Thí sinh tìm điều kiện có nghiệm của phương trình; vận dụng hệ thức Vìete, tính giá trị biểu thức liên quan đến các nghiệm.
Bài 3 (1,5 điểm) thuộc dạng toán thực tế liên quan đến xác suất, thống kê. Bài 4 (1 điểm) yêu cầu thí sinh viết biểu thức A biểu diễn theo một đại lượng x nào đó trong bài toán thực tế, đồng thời tìm giá trị của x để A thỏa điều kiện nào đó.
- Bài 5 (1 điểm) thuộc dạng toán thực tế liên quan đến hình học như chu vi, diện tích tam giác, tứ giác, độ dài cung tròn, chu vi đường tròn, diện tích hình tròn, hình quạt tròn, hình viên phân, hình vành khăn... Diện tích xung quanh, diện tích toàn phần, thể tích các hình khối trong thực tế…
Bài 6 (1 điểm) thuộc dạng toán thực tế liên quan đến phương trình, bất phương trình, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn. Bài 7 (3 điểm) là bài toán hình học phẳng gồm 3 câu: Chứng minh 4 điểm thuộc đường tròn, các yếu tố song song, vuông góc, bằng nhau; Chứng minh hệ thức, các yếu tố bằng nhau, thẳng hàng, đồng quy; Tính toán độ dài, chu vi, diện tích, số đo góc... Trong đó, phần hình học và đo lường chiếm tỷ lệ 45%, số và đại số 40%, thống kê và xác suất 15% của đề thi.
Cấu trúc đề thi môn tiếng Anh
Đề tuyển sinh đánh giá năng lực ngôn ngữ không chỉ dựa trên kiến thức thuộc lòng ngữ pháp và từ vựng của học sinh mà phải đánh giá được khả năng hiểu và vận dụng kiến thức ngôn ngữ vào ngữ cảnh phù hợp, đặc biệt là các tình huống thực tế cuộc sống.
Cụ thể, ở phần kiểm tra kiến thức ngữ âm, đề thi gồm các câu hỏi cách phát âm các nguyên âm và phụ âm cơ bản, cách đặt dấu nhấn từ cho đúng.
Ở phần từ vựng và ngữ pháp, đề thi đa dạng các loại hình từ vựng, ngữ nghĩa từ theo khung chương trình; các điểm ngữ pháp theo khung chương trình giao tiếp, liên hệ tình huống thực tế.
Trong đó, văn bản đọc hiểu có độ dài 180-200 chữ, riêng văn bản điền khuyết có độ dài 80-100 chữ.
Ở phần viết câu, đề thi gồm các yêu cầu viết đúng hình thức từ để hoàn thành câu có nghĩa phù hợp; viết câu đơn giản dựa trên thông tin cho sẵn; viết câu sử dụng khả năng về cấu trúc ngữ pháp, kết hợp từ.
Cấu trúc đề thi gồm Phần 1 (1,0 điểm) gồm 4 câu hỏi, kiểm tra kiến thức ngữ âm; Phần 2 (3,0 điểm) từ câu 5 đến câu 16, kiểm tra từ vựng, ngữ pháp, giao tiếp; Phần 3 (3,0 điểm) từ câu 17 đến câu 28 gồm đọc và điền từ; đọc hiểu trả lời câu hỏi; Phần 4 (4,0 điểm) từ câu 29 đến 40 gồm viết dạng đúng của từ; viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn; viết câu.