Để sầu riêng Việt đủ sức cạnh tranh khi xuất ngoại
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cần đầu tư vùng nguyên liệu gắn với sản xuất theo chuỗi để kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Mới đây, Bộ NN&PTNT nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (TQ) về việc các lô hàng chuối, mít, sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Đáng chú ý, sầu riêng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt tăng cao nhưng lại vi phạm về kiểm dịch cũng như có hành vi gian lận thương mại nghiêm trọng.
Sản xuất nhỏ lẻ nên nhiều rủi ro
Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành yêu cầu kiểm soát việc kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và tại các cửa khẩu. Đồng thời, bộ cảnh báo sẽ tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của phía TQ và tái phạm nhiều lần trong quá trình kiểm tra, kiểm dịch thực vật.
Nhận định từ góc độ người sản xuất, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đạ M’ri (thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai), cho rằng một trong những nguyên nhân khiến một số lô hàng vi phạm về quy định kiểm dịch thực vật là quy mô sản xuất của bà con thường nhỏ lẻ, các vườn trồng đan xen liền kề nhau. Chẳng hạn, vườn A đúng quy trình còn 7-10 ngày nữa sẽ cắt sầu riêng nhưng vườn B đến ngày phun thuốc nên vườn A cũng bị ảnh hưởng.
“Chúng ta sản xuất chưa mang tính tập trung nên việc giám sát nội bộ, liên kết sản xuất theo quy trình nhất định là vấn đề nan giải” - ông Sơn nói.
Ngoài ra, theo ông Sơn, khi thị trường hút hàng, thương lái nâng giá lên cao, nhiều người trồng cũng ngó lơ để họ cắt những trái chưa đủ tuổi. “Hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietG.A.P, có ghi chép nhật ký đầy đủ nên biết sầu riêng đủ tuổi hay chưa… Hợp tác xã vận động bà con dứt khoát không cho cơ sở thu mua cắt sầu riêng chưa đủ tuổi, đừng vì lợi ích trước mắt mà mình làm hại chính mình” - ông Sơn nhấn mạnh.
900
triệu USD là giá trị kim ngạch xuất khẩu sầu riêng được Hiệp hội Rau quả Việt Nam ước đạt trong bảy tháng đầu năm. Riêng tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt gần 700 triệu USD.
Ông Vinh, đại diện một hợp tác xã ở Tiền Giang, cho biết hiện người nông dân lẫn cơ sở thu mua, doanh nghiệp (DN) “nhầm lẫn” mã vùng trồng, xem đó là quota (hạn ngạch về số lượng) để chạy xuất khẩu. Họ sử dụng mã vùng trồng của người dân vùng này nhưng thu mua của vùng khác.
“Nếu mình bán mã vùng này, họ đến tỉnh khác thu mua sản phẩm không biết chất lượng ra sao, khách hàng ăn không ngon. Chưa kể không may người tiêu dùng gặp rủi ro an toàn thực phẩm, truy lại nguồn gốc từ mã vùng trồng, ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng?” - ông Vinh nói.
Cần có kiểm tra, giám sát chặt chẽ
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện nay nhiều DN tập trung mua bán theo mã vùng trồng mà không chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu để có được đầu vào đạt chuẩn. Chưa kể, nông dân sau khi xây dựng xong chuỗi liên kết, gần tới ngày thu hái thì DN đến mua giá cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg nên họ bỏ qua các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật. Điều này gây nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó còn có hiện tượng DN dùng mã vùng trồng của tỉnh này gắn cho sản phẩm của tỉnh khác. Phía TQ đã phát hiện và gửi danh sách cảnh báo cho Bộ NN&PTNT. Nếu DN tiếp tục gian lận thì mã nhà đóng gói, mã vùng trồng sẽ bị đóng, gây thiệt hại nặng nề.
Theo TS Hải, quản lý nhà nước cần mạnh tay với những trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc. Đơn cử sau khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang TQ thì Thái Lan lại không nôn nóng cạnh tranh bằng cách hạ giá. Thay vào đó, họ ra luật cho phép phạt tù nếu vi phạm về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng. Đồng thời thành lập một đội kiểm tra chất lượng sầu riêng ngay tại vườn nên chất lượng xuất ngoại là đồng nhất.
“Chúng ta nên có phương pháp kiểm tra, giám sát, phạt hành chính thật nặng những tổ chức, cá nhân nào vi phạm” - TS Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho rằng việc cắt sầu riêng non cơ quan chức năng khó phát hiện. Tuy nhiên, khi bán qua thị trường TQ, nếu người mua gặp phải trái non ăn không ngon, nhà nhập khẩu mất khách, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của chúng ta.
Theo ông Nguyên, việc gian lận thương mại trong mã vùng trồng cần quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm bởi đây là hành vi phá hoại kinh tế. Về vấn đề này, Thái Lan đã xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về sầu riêng và đưa ra luật để chế tài.
Thay đổi để cạnh tranh với khu vực
Theo TS Trần Minh Hải, sầu riêng Việt Nam rất tiềm năng trong chiến lược xuất khẩu và đang được thị trường TQ ưa chuộng.
Mỗi năm quốc gia này chi 14,5 tỉ USD mua trái cây, trong đó 4,5 tỉ USD là sầu riêng. Tuy nhiên, tại TQ không chỉ có sầu riêng Thái Lan mà còn có sầu riêng Philippines, Malaysia nên chúng ta chịu cạnh tranh rất lớn. Đáng chú ý, Indonesia hiện cũng đầu tư, có chiến lược bài bản bán sầu riêng sang TQ, đặc biệt họ đã thay đổi giống sầu riêng mới.
TS Hải cho rằng để sầu riêng Việt Nam đủ sức cạnh tranh, DN cần nhận thức thị trường TQ đòi hỏi chất lượng cao và mã vùng trồng chỉ là một trong những điều kiện xuất khẩu. DN phải tuân thủ đúng quy định, cần đầu tư vùng nguyên liệu gắn với sản xuất theo chuỗi để kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Các hộ nông dân nên tham gia hợp tác xã để có thể hình thành cánh đồng lớn; đăng ký mã vùng trồng và bà con có thể sản xuất rải vụ… Trên cơ sở đó, giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, đảm bảo sản phẩm đúng tiêu chuẩn chất lượng. Về lâu dài, Việt Nam cũng nên đầu tư giống mới để cạnh tranh chất lượng với hàng Thái Lan, Indonesia.
“Bên cạnh đó, cây sầu riêng không phù hợp trồng ở tất cả các tỉnh, do vậy một số địa phương nên làm bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để cảnh báo cho người dân biết nơi đó phù hợp trồng cây gì” - TS Hải gợi ý.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ
Bộ NN&PTNT cho biết để bảo đảm tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía TQ, đề nghị UBND các tỉnh, TP bố trí đủ nguồn lực để thực hiện việc kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Bộ chỉ đạo Sở NN&PTNT tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của TQ tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số trên địa bàn tỉnh.
Cạnh đó, yêu cầu các cơ sở đóng gói phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu và có cơ chế giám sát quy trình đóng gói tại các cơ sở đóng gói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-sau-rieng-viet-du-suc-canh-tranh-khi-xuat-ngoai-post744581.html