Để Sơn Điền cán đích xã nông thôn mới đúng lộ trình
Đồng chí Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng, tại buổi làm việc với xã Sơn Điền (huyện Di Linh) về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nhấn mạnh, với mức thu nhập bình quân đầu người 22 triệu đồng/năm, thấp hơn bình quân chung của khu vực Tây Nguyên 20 triệu đồng, Sơn Điền cần phải quyết tâm hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất thì mới đạt tiêu chí thu nhập.
Còn những khó khăn!
Sơn Điền là xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất huyện Di Linh. Toàn xã hiện có 673 hộ, với 3.056 khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số (97%), sinh sống tại 7 thôn. Trong 7 thôn thì có đến 4 thôn đặc biệt khó khăn, đó là Lang Bang, Ka Liêng, Bó Cao và Kon Sỏh. “Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn xã Sơn Điền đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, vì xuất phát điểm thấp, đến nay, xã Sơn Điền mới chỉ hoàn thành 14/19 tiêu chí, vẫn còn 5 tiêu chí chưa đạt chuẩn, bao gồm thu nhập, hộ nghèo đa chiều, giáo dục - đào tạo, trường học và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn”, ông K’Vít, Chủ tịch UBND xã Sơn Điền cho biết.
Theo ông K’Vít, trong 5 tiêu chí chưa đạt, tiêu chí khó thực hiện nhất là tiêu chí thu nhập. Cùng với đó, việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, xã Sơn Điền cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã Sơn Điền đang ở mức 15,9%, trong khi quy định đối với tiêu chí này, phải dưới 7% thì mới đạt. Ông K’Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền nói thêm: “Nhiều diện tích đất ở thôn Lang Bang và thôn Kon Sỏh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho người dân khi làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng để phát triển kinh tế; qua đó, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao mức thu nhập”.
Ông Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy Di Linh cho rằng những kết quả mà xã Sơn Điền đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM là rất đáng ghi nhận. Điều đó cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân nơi đây. Mặc dù vậy, ngay cả những tiêu chí mà xã Sơn Điền đã đạt vẫn còn rất mong manh, nhất là các tiêu chí về lao động có việc làm thường xuyên, về giao thông, về thủy lợi, về nhà ở và về cơ sở vật chất văn hóa... “Chỉ tính riêng năng suất cà phê, ở xã Sơn Điền chỉ đạt 1,6 - 1,7 tấn/ha, trong khi mức bình quân của huyện Di Linh là 3 - 3,2 tấn/ha”, ông Nguyễn Canh nói. Từ thực tế đó, Bí thư Huyện ủy Di Linh Nguyễn Canh đề nghị, xã Sơn Điền cần tập trung chuyển đổi sang trồng những giống mới, có năng suất cao, chất lượng tốt, kết hợp với trồng xen các loại cây phù hợp, từng bước nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, cũng như đầu tư chăn nuôi các loại gia cầm, gia súc phù hợp để đưa tiêu chí thu nhập tăng lên.
Quyết tâm về đích đúng lộ trình
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền K’Hoa trao đổi: “Theo lộ trình đặt ra, Sơn Điền phấn đấu cán đích xã NTM vào năm 2020”. Trả lời câu hỏi, với một xã còn nhiều khó khăn như Sơn Điền, từ hạ tầng kinh tế - xã hội đến trình độ dân trí, tập quán sản xuất đều thiếu sự đồng bộ, liệu rằng lộ trình đặt ra như vậy có khả thi? Ông K’Hoa khẳng định: “Chúng tôi không coi đó là khó khăn, mà nó trở thành động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa, quyết tâm đưa Sơn Điền về đích xã NTM đúng lộ trình”.
Đồng chí Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng cho rằng, lộ trình về đích xã NTM của Sơn Điền là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, với hơn 1.934 ha đất sản xuất; trong đó, có gần 1.764 ha cà phê và hơn 170 ha lúa nước, thì việc nâng cao thu nhập cho 673 hộ dân không phải quá khó. Vấn đề là xã Sơn Điền cần có biện pháp, định hướng cho người dân nên chuyển đổi cây trồng - vật nuôi phù hợp, bên cạnh sự tác động, hỗ trợ của ban, ngành huyện Di Linh về kỹ thuật thâm canh, nhất là tuyên truyền cho người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác để tự vươn lên trong sản xuất. “Trên đường từ Quốc lộ 28 đi vào trung tâm xã Sơn Điền, tôi thấy có những vườn cà phê ở hai bên đường bị dây tơ hồng phủ đầy vườn, như thế thì làm sao năng suất cà phê cao lên được?”, đồng chí Đoàn Văn Việt đặt câu hỏi.
Ông Vũ Hồng Long, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho hay: những năm qua, cùng với việc tái canh cây cà phê, thâm canh cây lúa nước, xã Sơn Điền còn trồng xen được gần 58 ha các loại sầu riêng, bơ, mắc ca, hồ tiêu, mít nghệ. “Nhiều diện tích cây trồng xen đã bắt đầu chín bói. Dự kiến, từ năm 2020 trở đi, sản lượng cây trồng xen ở xã Sơn Điền sẽ tăng lên đáng kể, thu nhập của người dân cũng từ đó mà nâng lên”, ông Vũ Hồng Long nói. Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Điền K’Vít, xã Sơn Điền cũng đã xây dựng được 10 mô hình phát triển kinh tế. Các mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. Cụ thể, ông K’Gểm (thôn Đăng Gia) mỗi năm thu 9 tấn cà phê, bà Ka Thuyền (thôn Bờ Nơm) thu 12 tấn cà phê, ông K’Ngã (thôn Ka Liêng) nuôi 40 con bò...
Từ những cách làm như trên, xã Sơn Điền đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu cán đích NTM trong năm 2020.