Đề tài nghiên cứu kit test Việt Á được 'xào nấu' trên mạng
Kit test Covid-19 của Việt Á được vợ của Phan Quốc Việt tối ưu từ các tài liệu được công bố trên Internet, sau đó đặt hàng mua hóa chất để sản xuất.
Ai dẫn mối cho Phan Quốc Việt tham gia nghiên cứu kit test?
Ngày 27/12 tới đây, Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và Học viện Quân y.
Theo cáo trạng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở nước ngoài và có nguy cơ cao lây lan sang Việt Nam, Ban giám đốc Học viện Quân y (HVQY) đã chỉ đạo các cơ quan chức năng Học viện xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu bộ kit chẩn đoán viêm phổi do virus corona.
Ngày 21/1/2020, Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, HVQY (hiện đã bị miễn nhiệm chức vụ) trình Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc HVQY (hiện đã bị cách chức) ký văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển kít chẩn đoán viêm phổi do virus corona.
Sau khi nhận được văn bản của HVQY, Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN (hiện đã bị buộc thôi việc) đã trao đổi, thống nhất với Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á về việc để Công ty Việt Á tham gia đề tài. Phan Quốc Việt đồng ý.
Tiếp đó, Trịnh Thanh Hùng đã yêu cầu Hồ Anh Sơn bổ sung thêm Công ty Việt Á tham gia đề tài. “Thực hiện ý kiến của Trịnh Thanh Hùng, Sơn sửa lại phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học đề tài, trong đó đưa Công ty Việt Á tham gia đề tài và trình Thiếu tướng Hoàng Văn Lương ký và Hồ Anh Sơn chuyển phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học đến Bộ KH&CN”, cáo trạng nêu.
Về quá trình nghiên cứu kit chẩn đoán, sau khi được Bộ KH&CN giao đề tài, trên cơ sở tham khảo quy trình do Tổ chức Y tế thế giới công bố, nhóm nghiên cứu HVQY đã nghiên cứu để tối ưu hóa, đến ngày 9/2/2020 đã bước đầu tìm ra quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR sử dụng gene đích là P và E và Real-time RT-PCR sử dụng gene đích là P phát hiện virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.
Ngày 10/2/2020, Hồ Anh Sơn đã ký biên bản bàn giao quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Real-time RT-PCR với Công ty Việt Á để sản xuất thử nghiệm theo yêu cầu của đề tài nhưng không có nội dung chi tiết về công thức mồi và mẫu dò (dựa trên quy trình này không đủ điều kiện để sản xuất 20.000 test thử nghiệm).
Trong khi đó, khoảng tháng 1/2020 và đầu tháng 2/2020, Hồ Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á (vợ của Phan Quốc Việt) nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu do Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và một số nước khác công bố trên mạng internet và xây dựng quy trình sản xuất kit sử dụng gene đích là N phát hiện virus SARS-CoV-2. Ngày 7/2/2020, Hồ Thị Thanh Thủy đã nghiên cứu xong quy trình (thành phần tạo nên kit gồm 11 hóa chất) và đặt hàng mua hóa chất để sản xuất kit phát hiện virus SARS-CoV-2.
Gian dối trong nghiên cứu khoa học
Khoảng giữa tháng 2/2020, Phan Quốc Việt chỉ đạo Hồ Thị Thanh Thủy mang các bộ kit ra Hà Nội để đánh giá chất lượng. Khi biết kết quả bộ kit do Công ty Việt Á đưa đến có chất lượng tốt hơn bộ sinh phẩm của HVQY thì Phan Quốc Việt báo cáo kết quả này đến Trịnh Thanh Hùng.
Sau đó, Trịnh Thanh Hùng yêu cầu Hồ Anh Sơn làm văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị phối hợp thử nghiệm bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 Công ty Việt Á đưa đến.
Sau khi biết kết quả thử nghiệm bộ kit của Công ty Việt Á mang đến thử nghiệm đạt yêu cầu, Trịnh Thanh Hùng yêu cầu Hồ Anh Sơn làm văn bản của HVQY đề nghị nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài. Cùng ngày, Hồ Anh Sơn trình Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY ký Văn bản số 968/HVQY-KHQS đề nghị Bộ KH&CN nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài. Cũng cùng ngày, Bộ KH&CN ra Quyết định số 489/QĐ-BKHCN về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu giai đoạn 1.
Tới 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài của Bộ KH&CN đã thông qua quy trình do HVQY nghiên cứu nhưng dựa trên kết quả đánh giá bộ kit Công ty Việt Á cung cấp và kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép để sử dụng phòng, chống dịch. Một ngày sau, ngày 4/3/2020, Bộ Y tế có Quyết định số 774/QĐ-BYT cấp số đăng ký tạm thời để dụng trong xét nghiệm sàng lọc.
Khoảng tháng 4/2020, Công ty Việt Á làm hồ sơ xin cấp phép lưu hành sản phẩm (cấp phép chính thức) gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế/Bộ Y tế. Tới ngày 1/6/2020, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Công ty Việt Á làm rõ quan hệ HVQY và Công ty Việt Á trong toàn bộ hồ sơ liên quan (như nhãn, báo cáo nghiên cứu…) và bổ sung tài liệu chứng minh.
Sau đó, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á xây dựng biên bản HVQY bàn giao cho Công ty Việt Á; ký lùi thời gian và lấy ngày 10/2/2020... Và trình Bộ Y tế xin cấp phép chính thức.
Sau khi được Bộ Y tế cấp phép, Phan Quốc Việt đã đưa bồi dưỡng Trịnh Thanh Hùng 2 lần với tổng số tiền 350.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng). Phan Quốc Việt chỉ đạo Vũ Đình Hiệp thông qua chi % tiền ngoài hợp đồng mua kit của HVQY để chia sẻ lợi nhuận đề tài cho Hồ Anh Sơn với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.
Ngày 22/10/2021, 29/10/2021, 25/12/2021 lần lượt Hội đồng nghiệm thu sản phẩm, quy trình của HVQY, Hội đồng cấp cơ sở HVQY (do Thiếu tướng Hoàng Văn Lương là Chủ tịch) và Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Đề tài của Bộ KH&CN (do Thiếu tướng Lê Bách Quang là Chủ tịch) đều nghiệm thu, thông qua và đánh giá kết quả đề tài ở mức đạt.
Viện Kiểm sát cáo buộc, thực chất việc hội đồng tổ chức nghiệm thu chỉ mang tính hình thức và không đúng bản chất vì sản phẩm để chứng minh cho kết quả nghiên cứu đề tài không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu và cũng không rõ nguồn gốc, sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép phục vụ phòng, chống dịch trước khi nghiệm thu đề tài.