Đề tài nghiên cứu 'Lịch sử nhà tù Bà Rá và đấu tranh chống chế độ lao tù' được đánh giá cao
Chiều nay 11-1, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài 'Lịch sử nhà tù Bà Rá và đấu tranh chống chế độ lao tù'.
PGS. TS. Nguyễn Ngọc Dung, Trường Đại học KHXHNV, Đại họcQuốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến cácthành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh
Đề tài do Thị ủy Phước Long chủ trì và PGS. TS. Nguyễn Ngọc Dung, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm.
Những năm 40 của thế kỷ XX, thực dân Pháp đã xây dựng tại Bà Rá một trại lao động đặc biệt - là một loại nhà tù nhằm giam giữ và lưu đày những người chống lại chế độ thuộc địa.
Tại đây trong khoảng thời gian năm 1940-1945, thực dân Pháp thi hành một chế độ lao tù khắc nghiệt, cướp đi mạng sống và làm suy kiệt thể chất của nhiều người yêu nước và cách mạng. Cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù ở Bà Rá đã bùng nổ. Trong đó, những người yêu nước và cách mạng đã nêu cao tinh thần bất khuất, anh dũng, giữ vững chí khí kiên cường, vượt ngục về với nhân dân, góp phần vào quá trình phục hồi cách mạng sau khởi nghĩa Nam kỳ và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945.
Đó là những trang sử bi hùng của Phước Long - Bình Phước. Tuy nhiên, hơn 70 năm qua, các dấu vết, tài liệu lưu trữ và nhân chứng đã mai một gần hết. Nay cần phải phục hồi làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử và truyền thống trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu, nhận xét tại cuộc họp, các nhà phản biện và các thành viên hội đồng đã đánh giá cao tính mới, tính cấp thiết, trung thực của đề tài. Đồng thời khẳng định, việc phục dựng lại di tích Trại lao động đặc biệt Bà Rá và quá trình đấu tranh chống chế độ lao tù trong những năm 1940-1945 là rất cần thiết để đồng bào Phước Long và cả nước hiểu rõ những sự thật lịch sử cách đây hơn 70 năm. Từ đó để lại một “địa chỉ đỏ” cho hoạt động về nguồn, phục vụ cho giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng ngoan cường, cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiện tại và tương lai. Các nhà phản biện và thành viên hội đồng cũng đóng góp ý kiến để đề tài hoàn thiện hơn.
Kết luận tại cuộc họp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp thu những ý kiến góp ý tại cuộc họp chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài trong thời gian 2 tuần, nộp lại Sở KH&CN để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. Thông qua đề tài làm căn cứ để Thị ủy Phước Long phục dựng lại di tích nhà tù Bà Rá, xây dựng phòng truyền thống góp phần phát triển du lịch trong thời gian tới.
“Đối với thông tin lịch sử thì chỉ có thể thiếu chứ không được sai. Do vậy phải tôn trọng lịch sử. Đối với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trên cơ sở đề tài đã được chỉnh sửa, các cơ quan tiếp nhận đề tài sử dụng có hiệu quả công trình nghiên cứu để bổ sung vào bài giảng cho cán bộ, học sinh, đưa vào hồ sơ di tích mà Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đang quản lý”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh.
Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu thông qua đề tài với 9/9 phiếu đạt.