Vì sao nơi thờ Thái hậu triều Lý Hoàng Thị Hồng có tên là đền Chợ Cháy?

Đền Cẩm Chế ở thôn Du La, xã Cẩm Chế (Thanh Hà, Hải Dương) là nơi thờ Thái hậu triều Lý Hoàng Thị Hồng. Tuy nhiên, người dân biết tới đền nhiều hơn với tên gọi là đền Chợ Cháy. Vậy tại sao đền mang tên gọi này?

Đền thờ Thái hậu triều Lý Hoàng Thị Hồng ở thôn Du La, xã Cẩm Chế (Thanh Hà)

Đền thờ Thái hậu triều Lý Hoàng Thị Hồng ở thôn Du La, xã Cẩm Chế (Thanh Hà)

Sự tức giận của nhà vua

Theo sử sách ghi chép lại, vào năm Tân Mão (1171), vua Lý Anh Tông kinh lý miền duyên hải, qua vùng đất Cẩm Chế thấy non nước nơi đây hữu tình, cư dân đông đúc. Cảm khái trước mảnh đất yên bình, tốt tươi, nhà vua đã bách bộ quanh vùng thưởng ngoạn cảnh sắc và tìm hiểu cuộc sống nhân dân nơi đây. Trong lúc thăm thú, đức vua nghe văng vẳng tiếng hát trong trẻo cất lên từ vườn dâu: “Nhà vua lắm bạc nhiều vàng/ Uy quyền tột đỉnh xin càng chớ quên/ Mong Người tích đức tu nhân/ Mai sau sự nghiệp mãi thành sử ghi”.

Tiếng hát lay động bậc quân vương, nhà vua cho lính hầu tìm người hát ấy. Ngay từ phút đầu gặp mặt, vua Lý Anh Tông đã đem lòng cảm mến người con gái đang độ thanh xuân, gương mặt khả ái, lanh lợi, đức độ nên đưa nàng về cung làm thứ phi. Nàng là Hoàng Thị Hồng, dân gian yêu mến gọi là Hoàng Thị.

Hoàng Thị Hồng là con gái cả trong gia đình có ba chị em gái ở làng Đìa La (nay là thôn Du La). Bố mẹ Hoàng Thị là người đức độ nhưng lại muộn con. Với lòng thành kính, cầu nguyện, họ cũng toại nguyện sinh được ba người con gái. Hai người em gái là Hoàng Thị Quỳnh, Hoàng Thị Quế đẹp người, đẹp nết nhưng Hoàng Thị Hồng thông minh, lanh lợi hơn cả.

Hoàng Thị vốn giỏi việc chăn trâu, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa và học hành sáng dạ. Tính tình nàng vui vẻ, hoạt bát, thích nô đùa, nghịch ngợm nên hay bày trò thắng thua. Thắng cuộc, Hoàng thị được lũ trẻ kiệu về đầu làng. Lòng bàn tay nàng có vân hình chữ vương.

Từ ngày về kinh thành Thăng Long, hưởng cuộc sống xa hoa nhưng Hoàng Thị nhớ cha mẹ, quê hương da diết. Vua thấu tâm can nên cho phép nàng về thăm quê.

Về quê, thấy nhân dân vẫn đói nghèo, lầm than, nàng lấy vàng bạc vua ban lập chợ, lấy tên là chợ Cẩm Chế. Đồng thời cho người đắp đường, bắc cầu, khơi sông giúp người dân mở rộng buôn bán, thông thương, tạo thành vùng quê sầm uất.

Thương nhớ thứ phi khôn nguôi, vua Lý Anh Tông triệu Hoàng Thị về cung. Tương truyền, trước khi về quê, thứ phi đã có thai với nhà vua nhưng không biết. Khi trở lại kinh đô, qua một làng nhỏ ở xứ Kinh Bắc, dừng lại nghỉ chân bên quán nhỏ, bà hàng nước tâu: “Đức bà đã có thai với nhà vua, nếu không báo quan thái giám thì sẽ mắc tội”. E sợ sẽ liên lụy lớn, bà quây màn tắm và tự vẫn dưới hồ, thị tỳ mãi không tìm thấy thi hài.

Nghe tin thứ phi Hoàng Thị mất, nhà vua đau buồn, tức giận cho rằng vì để vợ về quê mà mất vợ, mất con nên đã sai quân lính về đốt chợ nên người dân sau này gọi là chợ Cháy.

Khi biết tin Hoàng Thị mất tại nơi đất khách quê người và chứng kiến cảnh quân lính về đốt chợ, dân làng lập biểu, tâu trình với nhà vua. Một đêm, vua Lý Anh Tông mơ thấy thứ phi về báo mộng: “Con người đã hóa thành tiên. Thương nhau xin chớ ưu phiền làm chi. Hãy làm tất cả những gì. Ích dân lợi nước ắt thì thiếp vui".

Ngẫm thấy việc đốt chợ là vội vã, nhất thời khi chưa rõ ngọn ngành, nhà vua bèn chu cấp bạc vàng về xây lại chợ khang trang hơn và dựng ngôi đền cạnh chợ tôn Hoàng Thị Hồng làm Thành Hoàng. Sau đó các đời vua kế nghiệp đã suy thứ phi Hoàng Thị là Lý triều Hoàng Thái Hậu. Đền thờ Hoàng Thị cũng được người dân gọi là đền Chợ Cháy.

Niềm tự hào của người dân Cẩm Chế

Đền Chợ Cháy được xây dựng lại từ năm 1997 trên nền móng cũ

Đền Chợ Cháy được xây dựng lại từ năm 1997 trên nền móng cũ

Căn cứ vào các tài liệu khảo cổ, hệ thống bia ký, sắc phong, câu đối, đại tự, hương ước của các làng Phương La, Du La thì đền Chợ Cháy được khởi dựng vào thế kỷ XII. Dưới thời Nguyễn, đền ở trên thế đất đẹp với 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 3 gian hậu cung. Sân đền rộng, có nhiều cây cổ thụ và cột đồng trụ uy nghi. Đến thời kháng chiến chống Pháp, đền bị phá dỡ phần nhiều và hư hại theo thời gian.

Năm 1997, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân, chính quyền địa phương đã dựng lại đền trên nền móng cũ. Đền được tái tạo từ hai nếp nhà cũ, chất liệu gỗ lim, kiến trúc chữ đinh. Đền là công trình đẹp, mái lợp ngói mũi truyền thống, các góc có phù điều lá đề, rồng chầu phượng mớm đặc trưng của thời Lý tinh tế và sinh động.

Chợ Cháy do Thái hậu triều Lý Hoàng Thị Hồng lập từ thế kỷ XII đến nay vẫn đông đúc, sầm uất

Chợ Cháy do Thái hậu triều Lý Hoàng Thị Hồng lập từ thế kỷ XII đến nay vẫn đông đúc, sầm uất

Lễ hội đền Chợ Cháy diễn ra từ ngày 6-13/2 âm lịch hằng nằm. Theo cụ Lê Thị Nhu (85 tuổi), thủ nhang, từ ngày đền được phục dựng đến năm 2023 thì thời gian diễn ra lễ hội từ ngày Thái hậu Hoàng Thị từ biệt dân làng để trở về kinh thành đến thời điểm bà mất ở Kinh Bắc. Lễ hội đền Chợ Cháy thu hút đông đúc khách thập phương, đặc biệt là tiểu thương, kinh doanh buôn bán tại chợ Cháy mang nặng ân nghĩa với Thành Hoàng.

Đến ngày nay, chợ vẫn sầm uất, đông vui, là chợ lớn trong vùng. Vì thế, nhiều thế hệ mang ơn người lập chợ.

Thái hậu Hoàng Thị Hồng là niềm tự hào của người dân Cẩm Chế qua bao đời. Nhờ bà lập chợ mà đời sống nhân dân nơi đây ấm no. Ngôi đền thờ Thái hậu hướng ra chợ Cháy như để che chở, dõi theo bao lớp dân làng sinh nhai, làm ăn, buôn bán, khấm khá từng ngày. Vì thế, người dân địa phương, tiểu thương chợ Cháy luôn sẵn lòng đóng góp để tu bổ, tôn tạo đền khang trang.

Năm 2005, đền Chợ Cháy được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

HOÀNG LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vi-sao-noi-tho-thai-hau-trieu-ly-hoang-thi-hong-co-ten-la-den-cho-chay-398024.html