Đề tài phát triển bền vững thị trường carbon tại Việt Nam đạt giải Nhì

Thị trường carbon là một công cụ quan trọng để Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, bền vững và cạnh tranh hơn.

Nhóm sinh viên học viện Ngân hàng đạt giải Nhì Giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các Cơ sở giáo dục Đại học năm 2024.

Nhóm sinh viên học viện Ngân hàng đạt giải Nhì Giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các Cơ sở giáo dục Đại học năm 2024.

Việc nghiên cứu và phát triển thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích cho cả xã hội và môi trường.

Đề tài nghiên cứu mang tên "Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng khí thải carbon: Hàm ý hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường carbon tại Việt Nam" do nhóm sinh viên gồm Hà Thị Hạnh Hoa, Nguyễn Quỳnh Chi, Nguyễn Thị Phương Thảo, Lê Thảo Nguyên và Phạm Khánh Huyền đến từ Viện Đào tạo Quốc tế - Học viện Ngân hàng tiến hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên TS. Nguyễn Thị Cẩm Giang khoa Tài chính.

Đề tài đạt giải Nhì tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các Cơ sở giáo dục Đại học năm 2024.

Tính ứng dụng cao

Đại diện nhóm, sinh viên Hà Thị Hạnh Hoa cho biết nhóm nghiên cứu ban đầu đã dành ra khoảng 1 tháng để chọn ra đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao và thật cần thiết cho thị trường Việt Nam.

Qua khảo cứu tài liệu, nhóm phát hiện thực tế rằng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, trong đó vấn đề tăng lượng khí thải carbon nổi bật hơn cả.

World Bank ước tính rằng thị trường Carbon có thể đóng góp 30% vào việc giảm thiểu Carbon vào năm 2030. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, hơn 60 quốc gia và khu vực đã áp dụng các chính sách giá carbon và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Theo xu hướng hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng thị trường carbon với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng việc phát triển thị trường carbon không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tận dụng các cơ hội tài chính để phát triển kinh tế, phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước.

Hơn nữa, thị trường carbon tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách và nhận thức của các doanh nghiệp.

Nhận ra được tính cấp thiết của vấn đề được lựa chọn làm đề tài nghiên cứu, trong vòng 1 năm thực hiện, nhóm hướng đến tìm hiểu về 7 yếu tố chính ảnh hưởng đến lượng khí thải Carbon nhằm ước tính tác động của chúng tới sự thay đổi môi trường.

Theo đó, nhóm dành phần lớn thời gian tập trung vào nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến lượng khí thải Carbon bằng cách tiến hành kết hợp 2 phương pháp. Trong đó với phương pháp nghiên cứu định lượng, nhóm nghiên cứu ứng dụng 4 mô hình kinh tế hồi quy OLS, FEM, REM, FGLS và thực hiện các thử nghiệm trên phần mềm Stata. Còn với phương pháp nghiên cứu định tính, nhóm phân tích, đánh giá và tổng hợp cơ sở lý thuyết của các yếu tố ảnh hưởng đến phát thải carbon và đề xuất mô hình đầu ra cho dự án.

Từ đó cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng các chính sách, cơ chế, giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị để thúc đẩy việc xây dựng và vận hành thị trường Carbon ở Việt Nam.

 TS. Nguyễn Thị Cẩm Giang khoa Tài chính cùng nhóm nghiên cứu.

TS. Nguyễn Thị Cẩm Giang khoa Tài chính cùng nhóm nghiên cứu.

Hướng tới xây dựng giải pháp

Sau 1 năm tiến hành, nhóm cho biết kết quả nghiên cứu nổi bật là phát hiện tiêu thụ năng lượng có tác động tương đương với phát thải carbon, với hệ số 1.074, điều này cho thấy khi tiêu thụ năng lượng tăng 1.074 đơn vị thì phát thải carbon tăng 1 đơn vị, nghĩa là việc tiêu thụ năng lượng tác động mạnh đến phát thải carbon gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, diện tích rừng đang giảm cũng ảnh hưởng tương đương đến phát thải carbon. Trên thị trường carbon, việc tăng diện tích rừng có thể được thúc đẩy bởi các chính sách tạo carbon rừng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, GDP có tác động tiêu cực đến phát thải carbon, tức là khi nền kinh tế đạt mức ổn định, mọi người sẽ chú ý đến việc bảo vệ môi trường.

Đại diện nhóm cho biết từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu khả năng áp dụng những mô hình quốc tế vào Việt Nam và đưa ra những giải pháp mang tính thực tiễn nhằm đảm bảo các đề xuất có thể triển khai trong thực tế.

Trong đó, quan điểm chủ yếu là đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch, vừa giúp giảm phát thải carbon của đất nước, đồng thời tạo ra các dự án carbon tiềm năng để giao dịch trên thị trường Carbon.

Bên cạnh đó về mặt pháp lý, Việt Nam có thể thiết lập hội thông thương mại phát thải và hấp thụ, theo đó các doanh nghiệp phải mua giấy phép để phát thải carbon.

Để đo lường và nhận diện, báo cáo lượng khí thải carbon chính xác, Việt Nam cần phát triển hệ thống MRV hiệu quả để đảm bảo tính minh bạch và tin cậy trong giao dịch carbon. Để tiến hành hiệu quả công tác xây dựng mô hình này có thể hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng và quản lý thị trường carbon.

Hạnh Hoa chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng kết quả nghiên cứu sẽ không chỉ góp phần hoàn thiện chính sách mà còn đóng vai trò là nền tảng để phát triển một hệ sinh thái kinh tế xanh, bền vững tại Việt Nam”.

Liêm Anh - Tuấn Đạt

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-tai-phat-trien-ben-vung-thi-truong-carbon-tai-viet-nam-dat-giai-nhi-post712604.html