Đề tài 'phát triển bộ môn cầu lông cho công chức TP Sơn La' có đủ tầm của luận án tiến sĩ?
Những ngày gần đây trên các diễn đàn về giáo dục đang có nhiều ý kiến tranh luận về đề tài luận án tiến sĩ 'Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La'.
Luận án tiến sĩ đang nhận được nhiều chú ý từ dư luận về phát triển cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La do nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thực hiện, GS.TS Lưu Quang Hiệp và PGS.TS Đặng Văn Dũng hướng dẫn khoa học, được bảo vệ tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Hiện Luận án này cũng đang được đăng tải trên chuyên trang về Luận văn – Luận án của Bộ GD-ĐT. Ở phần thông tin về những đóng góp mới của luận án được đăng tải trên chuyên trang Luận văn – Luận án của Bộ GD-ĐT có nêu rõ, những đóng góp của luận án là “thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: Sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; Thiếu cộng tác viên cầu lông; Công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; Thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế. Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.
Quá trình nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, bao gồm: tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu cầu lông; Phát triển môn cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; Tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào cầu lông cho công chức, viên chức; Hoàn thiện hệ thống thi đấu cầu lông cho công chức, viên chức; Mở rộng các hình thức tập luyện cầu lông cho công chức, viên chức. Khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào cầu lông của công chức, viên chức”.
Phần giới thiệu này cũng cho biết, trên cơ sở thực nhiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn cầu lông. Kết quả thực nghiện cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15.38 % đến 133.33 %). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác xuất thống kê cần thiết.
Tuy nhiên, trên các diễn đàn về giáo dục, lại có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng đề tài nghiên cứu này còn quá nhỏ, chưa “đủ tầm” để trở thành một luận án tiến sĩ.
Ông Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xác nhận đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho viên chức, công chức thành phố Sơn La” của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được hướng dẫn và bảo vệ tại Viện. Đề tài này được nghiệm thu thành công cấp viện ngày 19/1/2022. Theo ông Trần Hiếu, đề tài này được hội đồng thẩm định qua nhiều vòng, có đầy đủ các thủ tục và biên bản nghiệm thu theo đúng quy định.
Về phía ĐH Tây Bắc, PGS.TS Nguyễn Triệu Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng xác nhận nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh là cán bộ đang công tác tại trường, song khi nói về nội dung luận văn thì vị Phó Hiệu trưởng từ chối trả lời vì "đang bận đi công tác".
"Không giống luận án tiến sĩ"?
Sau khi đọc nội dung toàn bộ luận án tiến sĩ trên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cho rằng: “Tên đề tài nghiên cứu nghe đã kỳ lạ nhưng khi đọc bên trong mới thấy chưa giống luận án tiến sĩ. Luận án có nhiều nội dung có dấu hiệu đạo văn như kỹ thuật đánh cầu lông được viết trong các giáo trình nhưng lại được chép vào luận văn. Luận án nói về đường lối của Đảng đối với thể dục thể thao, nhưng đường lối đó không có chỗ nào nói cụ thể về môn cầu lông, nghiên cứu sinh đang cố gắng gán ghép các nội dung một cách gượng ép, "bôi bác"".
Cũng theo TS Hoàng Ngọc Vinh, luận án này cũng chưa có phương pháp nghiên cứu rõ ràng, các giải pháp đưa ra để giải quyết vấn đề tồn tại nhưng lại chưa gắn liền với nguyên nhân của vấn đề, mà chỉ dừng lại ở mức độ "phân tích rồi để đó". Giữa giải pháp và thực trạng, cách tư duy của luận án cũng chưa ăn nhập với nhau.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, một đề tài luận án tiến sĩ phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó có tính mới, tính độc lập: "Cái mới phải mang tính phát hiện, không phải trước đây làm đề tài này ở tỉnh A nay chuyển sang tỉnh B đã là mới, nay nghiên cứu về bóng đá, mai nghiên cứu về cầu lông đã là mới. Hơn nữa, trong các luận án tiến sĩ còn có yêu cầu về tài liệu nước ngoài, nhưng phần này ở luận văn đang được bàn đến viết rất sơ sài vài dòng, nội dung không gắn kết với nhau. Nhìn chung luận án này đủ thủ tục các bước nhưng chất lượng không đáng để trở thành luận án tiến sĩ".
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhấn mạnh, với một luận án tiến sĩ về giáo dục có chất lượng như vậy thực sự rất đáng ngại. Bộ GD-ĐT nên xem xét lại các luận án, nếu cần thiết phải có một hội đồng riêng để rà soát lại chất lượng. Hiện nay Chính phủ đã ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam, nếu áp vào khung tiêu chuẩn đó các đề tài luận án tiến sĩ không đáp ứng được quá 2/3 tiêu chí thì nên loại bỏ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này./.