Để tết Giáp Thìn và mùa lễ hội trọn niềm vui

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp tết Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024, hoạt động truyền thông đang được đẩy mạnh song song với công tác kiểm tra.

Người tiêu dùng cần cập nhật thông tin, kiến thức để biết cách chọn mua thực phẩm an toàn tại các cơ sở kinh doanh có uy tín. Trong ảnh: Người dân chọn mua bánh kẹo tại một siêu thị (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, sau tết là mùa lễ hội. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là thịt cá, trứng, bánh kẹo, mứt, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Mặt khác, đây là thời điểm giao mùa nên ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo chất lượng ATTP.

Theo kế hoạch đảm bảo ATTP tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, mục tiêu đặt ra là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã phường, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Từ ngày 27/12/2023-20/3/2024, trên phạm vi toàn tỉnh, hoạt động truyền thông được đẩy mạnh. Theo ông Lê Sỹ Kim, Trưởng phòng ATTP (Sở Y tế), đối tượng ưu tiên truyền thông trong thời gian này là người nội trợ, người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình; người tiêu dùng thực phẩm; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và chính quyền các cấp, các nhà quản lý.

“Hoạt động truyền thông tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền về việc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; đảm bảo các điều kiện bảo quản, kinh doanh giò, chả, bánh chưng, bánh tét, bánh mứt cổ truyền để đảm bảo ATTP; các quy định của pháp luật về ATTP.

Đồng thời, chúng tôi tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương”, ông Lê Sỹ Kim cho biết.

Song song với hoạt động truyền thông là công tác kiểm soát đảm bảo ATTP trước, trong, sau tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024, đặc biệt là những sản phẩm, nhóm sản phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh kẹo, mứt, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm.

Đồng thời, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol.

Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra có trọng tâm trọng điểm những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm do cấp tỉnh quản lý. Tại các địa phương, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp trên địa bàn.

Còn tại các xã, phường, thị trấn, công tác kiểm tra cũng được thực hiện đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thực phẩm phục vụ tết, thức ăn đường phố. Nếu phát hiện thực phẩm không an toàn, đoàn kiểm tra lấy mẫu gửi đến trung tâm xét nghiệm khu vực để xét nghiệm và có kết luận cụ thể, xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm.

Theo ông Lê Sỹ Kim, để đảm bảo sức khỏe, để tết Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024 trọn niềm vui, người tiêu dùng cần cập nhật thông tin, kiến thức để biết cách chọn mua thực phẩm an toàn tại các cơ sở kinh doanh có uy tín, chế biến thực phẩm an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn, có dấu hiệu thiu, mốc, hỏng; không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong dịp tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng. Đồng thời, ông Kim lưu ý: “Bà con không lạm dụng rượu bia, có hại cho sức khỏe”.

Để đảm bảo sức khỏe, người dân không lạm dụng rượu, bia; không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/311777/de-tet-giap-thin-va-mua-le-hoi-tron-niem-vui.html